Dự án đầu tay của Công ty cổ phần Bất động sản Sơn và Hóa chất Á Châu sau khi đưa vào hoạt động đã gặp phải những lùm xùm đầu tiên liên quan đến việc một số cư dân phản đối phí dịch vụ và phía trông giữ xe ô tô.

Sự việc lùm xùm tại SHP Plaza

Mới đây, trước những kiến nghị của một số cư dân Tòa nhà SHP Plaza (số 12 đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) do Công ty cổ phần Bất động sản Sơn và Hóa chất Á Châu làm chủ đầu tư về việc Ban quản lý tòa nhà dừng cung cấp nước, ngày 26/9/2018, UBND phường Lạch Tray đã tổ chức cuộc họp hòa giải, giải quyết kiến nghị.

Ngày 27/9, UBND phường Lạch Tray đã có thông báo kết luận vụ việc. Theo đó, ông Đào Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Lạch Tray yêu cầu các cư dân của tòa nhà phải thực hiện đúng các thỏa thuận với chủ đầu tư, thanh toán các khoản phí, lệ phí và giá dịch vụ đã thỏa thuận; không được gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung của khu vực...

Chung cư SHP Plaza - nơi xảy ra bất đồng về phí dịch vụ vận hành chung cư giữa cư dân với chủ đầu tư. Ảnh: Thu Lê

Còn về phía chủ đầu tư, cần phải sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình tiện ích phục vụ cư dân như khu vui chơi trẻ em, nhà sinh hoạt cộng đồng đúng tiến độ đã cam kết tại cuộc họp là ngày 31/10/2018; không được ngắt hệ thống phòng cháy chữa cháy; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu theo đúng lộ trình đã thông báo là ngày 20/10/2018…, không áp dụng hình thức ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Theo chủ đầu tư, nguyên nhân của sự bất đồng này là việc khoảng 20% căn hộ/tổng số 218 căn hộ đã bàn giao (tòa nhà có 229 căn hộ) không chịu đóng phí dịch vụ, dù đã có giấy thông báo đề nghị thanh toán được gửi đến nhiều lần. Vì vậy, theo quy định tại Điểm d, Khoản 5.1, Điều 5 của Hợp đồng mua bán căn hộ Dự án SHP Plaza, chủ đầu tư đã thực hiện việc cắt nước đối với những căn hộ không nộp phí dịch vụ quản lý từ ngày 21/9/2018.

Về lý do không nộp phí dịch vụ quản lý nhà chung cư, các hộ dân cho rằng, mức thu phí hằng tháng 12.000 đồng/m2 là quá cao so với những nơi khác, dù sau đó đã được điều chỉnh xuống 11.000 đống/m2. Những cư dân này cũng phản ánh, mức thu phí gửi xe ô tô hàng tháng là 2,1 triệu đồng/xe là quá cao so với những nơi khác. Cư dân còn cho biết, khách sạn Mercure còn tắt hệ thống chuông báo cháy của dân cư mà không thông báo; khóa cửa thoát hiểm lên sân thượng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Trọng Hào, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Sơn và Hóa chất Á Châu cho biết, trong thời gian chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Savills Việt Nam để quản lý, vận hành tòa nhà chung cư và các gian hàng dịch vụ bên dưới. Việc áp dụng mức phí dịch vụ 12.000 đồng/m2/tháng là hoàn toàn hợp lý dựa trên tính toán thực tế. Hiện tại, mức phí đang áp dụng chỉ còn 11.000 đồng/m2/tháng, nằm trong khung quy định đối với chung cư có thang máy.

“Căn cứ theo Khoản 1, Điều 30, Thông tư 05/2016/TT-BXD, ngày 10/3/2016, chúng tôi được quyền quyết định giá dịch vụ quản lý vận hành và trong hợp đồng mua bán căn hộ, chúng tôi cũng nêu rõ sẽ xác định giá cụ thể khi bàn giao căn hộ. Khi bàn giao căn hô, giá dịch vụ quản lý vận hành đã được ghi rõ và các bên đều đã ký nhận. Mức chí phí áp dụng được tính toán dựa trên nguyên tắc xác định giá dịch vụ nhà chung cư theo Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 01/12/2009”, ông Hào cho biết.

Cũng theo chủ đầu tư, trong quá trình vận hành thực tế từ tháng 7/2017 đến nay, các báo cáo tài chính cho thấy, mức thu phí dịch vụ quản lý 12.000 đồng/m2/tháng không đủ bù chi chí quản lý. Công ty sẽ công bố các báo cáo tài chính này với Ban quản trị chung cư được bầu sau khi Hội nghị nhà Chung cư được tổ chức thành công.

“Mức giá dịch vụ 11.000 đồng/m2/tháng là mức giá cuối cùng, chúng tôi không thể giảm được nữa”, ông Hào khẳng định.

Theo UBND phường Lạch Tray, nếu các bên không chấp nhận biện pháp hòa giải của chính quyền địa phương, thì một trong các bên làm đơn khởi kiện tại tòa theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hào cho hay, chủ đầu tư rất mong muốn bộ phận cư dân chưa đóng phí tôn trọng thỏa thuận hợp đồng đã ký với chủ đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của mình để đảm bảo quyền lợi cho 80% hộ dân còn lại.

“Nếu các cư dân này khởi kiện ra tòa, chúng tôi sẽ hợp tác để giải quyết dứt điểm vụ việc và mong các bên cùng tôn trọng phán quyết của tòa”, ông Hào cho biết.

Liên quan đến việc lối thoát hiểm bị khóa lại, ông Hào cho biết, hiện có một lối đi lên tầng 28 (tầng thượng), là khu vực bể bơi và cửa kính ra vào lối đi này đã được khóa lại. Tuy nhiên, đây không phải là cửa hay lối thoát hiểm của tòa nhà. Việc khóa cửa này lại do bể bơi chưa hoàn thành, tránh việc trẻ em và những người say rượu đi lên dẫn đến tai nạn.

Về việc tắt chuông báo cháy, ông Hào thừa nhận đây là hành vi không đúng, nhưng việc Khách sạn Mercure tắt hệ thống chuông báo cháy từ tầng 21 đến tầng 26 là để tránh báo cháy giả, còn chuông báo cháy của trung tâm chữa cháy tòa nhà vẫn luôn hoạt động và có bộ phận trực 24/24h. Hiện Công ty đã kích hoạt lại hệ thống chuông báo cháy toàn tòa nhà.

Bước đệm hình thành văn hóa chung cư tại Hải Phòng

Theo đại diện Ban quản lý tòa nhà (thuộc Savills Việt Nam), mức phí dịch vụ vận hành đang áp dụng với SHP Plaza do chủ đầu tư quyết định khi chưa có Ban quản trị được bầu đã được Luật định như vậy.

“Hơn nữa, khi sử dụng dịch vụ của những đơn vị có uy tín như Savills, thì mức phí dịch vụ cũng phải tương ứng với chất lượng của chúng tôi. Điều này là hết sức bình thường”, vị đại diện này nhận định.

Chia sẻ thêm, ông Hào cho hay, việc các đơn vị vận hành, quản lý nhà chung cư thiếu trách nhiệm, không có uy tín đã từng để xảy ra nhiều hệ quả đáng tiếc.

“Chúng tôi không muốn những sự việc như thế xảy ra với các cư dân của chúng tôi. Hơn nữa, SHP Plaza là dự án bất động sản đầu tiên của Công ty, nên chúng tôi càng không bao giờ muốn để xảy ra sai sót trong việc quản lý vận hành chung cư khi chưa có Ban quản trị do Hội nghị nhà chung cư bầu ra”, ông Hào khẳng định.

Một cư dân tại tòa nhà cho biết, chủ đầu tư cũng cần rút kinh nghiệm. Vì đây là dự án đầu tiên họ triển khai, nên khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp chưa dự trù được kinh phí vận hành tòa nhà, phí dịch vụ gửi giữ xe để đưa vào trong hợp đồng, mà chỉ ghi là sẽ thông cáo vào ngày bàn giao nhà, dựa trên tính toán thực tế.

“Có lẽ chính điều này đã gây ra những bất đồng quan điểm trong thời gian qua”, cư dân này nói.

“Sự việc lần này sẽ là bài học cho cả chủ đầu tư và người dân muốn sống tại chung cư ở Hải Phòng. Chủ đầu tư phải làm rõ mọi khoản phí ngay từ đầu tại hợp đồng mua bán để tránh tranh chấp về mức phí sau này. Còn với các cư dân, khi quyết định mua căn hộ, thì cũng phải tìm hiểu kỹ những ưu, khuyết điểm của chung cư, cũng như các loại phí và quan trọng nhất là tôn trọng cuộc sống của các cư dân khác cùng toà nhà.

Đây là điều cần thiết để hình thành nên văn hóa chung cư tại Hải Phòng, nhất là trong tương lai, Hải Phòng sẽ có thêm nhiều tòa nhà chung cư khác chứ không chỉ dừng lại con số 3 như hiện nay”, ông Nguyễn Quang Văn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng chia sẻ.

Thư Lê (Đầu tư Bất động sản)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.