Thị trường bất động sản, nhất là đất nền tại khu vực Quốc Oai, Thạch Thất vừa được phen “điên đảo” khi xuất hiện tin giả được các môi giới thay nhau lan truyền về việc một “ông lớn” có văn bản đề xuất triển khai 02 siêu dự án trên địa bàn xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai).
Văn bản "fake" được các môi giới bất động sản chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội mới đây
Dù sau đó không lâu văn bản trên đã được chính đại diện doanh nghiệp bị mạo danh xác nhận với PV DĐDN là tin giả thì việc các đối tượng môi giới, cò mồi vẫn tiếp tục chia sẻ và dùng văn bản “fake” trên để câu những nhà đầu tư tay ngang, ít thông tin với phương châm “câu 50, dính 10, chốt 1”.
Anh Lê Quang Vinh, hiện là công chức tại Hà Nội vừa là nhà đầu tư tay ngang suýt bị kéo vào “trò chơi fake news” tại Quốc Oai cho biết, khi mới có thông tin trên, một ngày anh nhận cả chục cuộc điện thoại giới thiệu, tư vấn, mời đi xem đất tại khu vực xã Phú Mãn.
Theo anh Vinh, lúc đầu anh cũng bán tín bán nghi nhưng sau khi được xem cả văn bản đề xuất kèm hàng tá đường dẫn (link) về việc doanh nghiệp lớn này trước đó đã đề xuất dự án ở Thạch Thất hay việc đầu tư dự án Đường sắt trên cao… thì anh cũng xuôi xuôi và nhận lời cuối tuần đi xem đất.
"Khi đã về xem thực tế, khá ưng một mảnh đất vừa túi tiền, tôi kiểm tra lại thông tin lần cuối trước khi xuống tiền thì phát hiện ra văn bản có một số lỗi chính tả, sau đó tôi nhờ người quen hỏi thăm một cán bộ cấp huyện nơi định mua đất thì mới vỡ lẽ đó chỉ là tin giả" - anh Vinh chia sẻ.
Trường hợp của anh Vinh không hẳn là hy hữu khi trong cơn say giá đất, nhà nhà, người người mua bán đất, giá thay đổi từng ngày thì không phải ai cũng đủ tỉnh táo để xem xét thấu đáo những cơ hội tưởng như ngon ăn, "không nhanh là mất" được bày ra trước mắt.
Cơn sốt đất đã khiến nhà đầu tư luôn giữ một cái đầu nóng và đôi khi không đủ tỉnh táo để xem xét những tin tức giả được dàn dựng rất công phu
Trao đổi về “vấn nạn” này, một chuyên gia cho rằng để tránh “sập bẫy” những chiêu trò của “cò” BĐS, người dân phải tự trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu vực đất dự định mua. Đồng thời, tham khảo thông tin quy hoạch hoặc giá cả khu vực muốn mua đất từ những đơn vị quản lý Nhà nước.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì hiện nay, giới “cò” đất có rất nhiều thủ đoạn để kích “sóng ảo”, đẩy “sóng” nhằm tăng giá bán lên cao một cách bất hợp lý. Bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương hoặc dựa theo các dự án bất động sản lớn, mới quy hoạch.
Cũng theo ông Đính, để đạt được mục đích tạo “sóng”, giới “cò” không chỉ tạo thông tin giả về việc doanh nghiệp lớn đề xuất dự án mà nhiều trường hợp còn “cả gan” còn làm giả văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, hoặc Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố.
Trước tình trạng này, ông Đính cho rằng nhà đầu tư muốn tham gia vào các cơn sốt đất, trước hết phải xem xét quy hoạch khu vực, cần phải nắm rõ thông tin và tìm hiểu người giao dịch đất là ai, nếu là nhân viên tư vấn tự do thì nên xem xét cẩn trọng.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo để tự cứu mình trước những nguy cơ rình rập của tin giả thổi giá đất. Theo đó, đối với các thông tin liên quan đến quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng của bất kỳ một địa phương nào, người dân có thể yêu cầu các cơ quan chức năng từ cấp xã, huyện, tỉnh cũng cấp thông tin theo Quyết định 808/QĐ-BXD về việc công bố thủ tục hành chính “Cung cấp thông tin về Quy hoạch xây dựng” thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
-
Hà Nội: Những dự án 'om' đất vàng, để cỏ mọc um tùm sau những tấm tôn quây kín
Nhiều dự án giữ đất rồi bỏ không nhiều năm, cỏ mọc um tùm chưa biết khi nào khởi động, những tòa nhà cao lừng lững cả chục năm rồi bỏ mặc rêu phong đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt”....
-
Tuyến đường có giá đắt nhất tại Long Biên, Hà Nội
Tại quận Long Biên, đất ở VT1 tại đường Hồng Tiến và đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu Chương Dương đến Cầu Chui) là nơi có giá đắt nhất trên địa bàn.
-
Diễn biến trái ngược giữa hai thị trường nhà ở trọng điểm
Trong khi TP.HCM tiếp tục có nguồn cung mở bán mới hạn chế với chỉ gần 5.300 sản phẩm gồm căn hộ và nhà phố/biệt thự thì nguồn cung mới của thị trường nhà ở Hà Nội tăng trưởng mạnh với gần 38.000 sản phẩm mở bán mới trong năm....
-
Một quận trung tâm Hà Nội triển khai loạt dự án hạ tầng
UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định số 30 về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Đống Đa.