01/09/2016 10:25 PM
Dân ở chung cư Linh Đàm bức xúc, đòi thay đơn vị quản lý khác, xí nghiệp muốn tiếp tục, trong khi lãnh đạo công ty cho biết không thiết tha, thậm chí muốn rút, vì phải bù lỗ.

Theo phản ánh của chị Linh – một cư dân ở chung cư bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều ngày qua nơi đây thường xuyên xảy ra tranh cãi, xung đột giữa chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà và các cư dân.

Cụ thể, đến hết tháng 8 vừa qua, xí nghiệp 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) hết hạn hợp đồng làm quản lý tòa nhà. Đơn vị này xin đẩy giá dịch vụ thêm 50% - từ 2.500 đồng lên 3.700 đồng/m2.

Chung cư bán đảo Linh Đàm đang xảy ra tranh chấp về đơn vị quản lý các tòa nhà. Ảnh: Lê Hiếu

Ban quản trị nhiều tòa nhà ở đây không đồng ý nên đã quyết định thay đơn vị quản lý khác. Một nửa hộ dân ở đây ủng hộ quyết định trên do “quá ngán với cách làm việc của HUDS”. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây không đồng ý.

“Chúng tôi đã quen với bảo vệ cũ, nhiều năm an ninh an toàn. Đơn vị mới không biết thế nào trong khi đã là kinh doanh, kiểu gì họ chẳng nghĩ ra cách sinh lời”, chị Linh cho biết.

Tranh cãi gay gắt, đến ngày 30/8, HUDS được cho là đã xuống nước, đề nghị được tiếp tục quản lý tòa nhà với mức phí không đổi 2.500 đồng/m2 trong 2 năm tới. Nhưng có vẻ như đã là quá muộn bởi ban quản trị nhiều tòa nhà ở đây đã thay dân ký hợp đồng với đơn vị mới. “Sự việc đến hồi gay cấn khi các bảo vệ của công ty mới đến tiếp quản từng tòa nhà”, chị Linh kể.

HUDS bị chê làm chưa tốt

Trao đổi với Zing.vn, ông Lương Hữu Công – Giám đốc chi nhánh xí nghiệp 1 của HUDS thừa nhận: “Khi hết hợp đồng, chúng tôi có thương thảo với ban quản trị điều chỉnh giá dịch vụ, nhưng họ không đồng ý. Sau đó, trên cơ sở trách nhiệm với cộng đồng, và với mong muốn đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, chúng tôi đồng ý tạm thời giữ nguyên giá dịch vụ 2.500 đồng”.

Theo ông Công, xí nghiệp rất mong muốn tiếp tục được phục vụ cư dân ở đây, nhưng nếu cư dân không tín nhiệm nữa, họ sẽ chấp hành, phối hợp bàn giao theo đúng kế hoạch ban quản trị đề ra kể cả bàn giao lúc nửa đêm.

“Họ cho rằng chúng tôi làm chưa tốt nên không thuê nữa”, ông Công nói.

Ông Công cho biết thêm, hiện một số nhà đã bàn giao xong cho đơn vị mới như cụm 2A, nhà D3, No. 4A, 4B, D6A. Còn nhà D5, No. 1A, 1B, No. 6B, cư dân ở đó “không đồng ý lựa chọn đơn vị mới”.

Tuy vậy, ông Công khẳng định xí nghiệp sẽ “không can thiệp vào việc này”.

“Chúng tôi đang muốn rút khỏi đó”

Trong khi phía xí nghiệp 1 tha thiết muốn ở lại vì “trách nhiệm với cộng đồng, vì muốn tạo công ăn việc làm cho nhân viên”, ông Bùi Hoàng Kiều – Giám đốc Công ty HUDS lại không muốn vậy.

“Chúng tôi đang muốn rút khỏi đó vì tiền trả lương cho nhân viên còn không đủ. Chúng tôi phải bù lỗ. Tôi rất mừng khi ban quản trị quyết định thuê đơn vị khác”, ông Kiều nói.

Nói về việc bị chê chất lượng quản lý kém, ông Kiều cho hay: “Theo cơ chế thị trường, chúng tôi thỏa thuận với ban quản trị qua hợp đồng kinh tế. Ban quản trị tòa nhà yêu cầu chúng tôi làm gì, chúng tôi mới làm. Không có chuyện chúng tôi cứ làm tốt đẹp mãi như xưa khi không có đủ tiền. Chất lượng dịch vụ mà kém là do ban quản trị”.

Vị này cũng khẳng định họ minh bạch hết chuyện chi tiêu: Thu được bằng nào, chi những khoản gì. Khi thấy thu không đủ chi họ mới đề nghị với ban quản trị hoặc điều chỉnh phí hoặc dừng hợp đồng.

“Chúng tôi nịnh họ còn chẳng được, làm gì có chuyện áp đặt họ cho thêm tiền. Quan điểm của tôi là ban quản trị và người dân ở khối nhà đó có quyền quyết định giao tòa nhà cho ai quản lý.

Bản thân doanh nghiệp cũng không thiết tha kinh doanh quản lý nhà. Chẳng qua cũng vì công việc, vì giữ uy tín cho tổng công ty nên chúng tôi mới dùng mọi giải pháp hỗ trợ tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho anh em phục vụ bà con ở đó.”, ông nói.

Ông Kiều nhấn mạnh, nếu cư dân ở đây không chia sẻ, họ sẵn sàng không làm nữa.

“Không có chuyện chúng tôi cố tình tranh giành việc làm đó. Thực ra nghề bảo vệ như nghề đánh giày, không có gì cả”, ông Kiều nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Thiều Hữu Hảo – Phó giám đốc HUDS trần tình, sau khi cân đối nguồn tài chính, họ mới đề xuất tăng giá dịch vụ. Khi đàm phán, nếu ban quản trị tòa nhà đồng ý thì ký tiếp để anh em tiếp tục làm, nếu không họ mời đơn vị khác.

Kiều Vui (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.