Không rầm rộ như ở các xã của huyện Bình Chánh song trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM, nhà xây không phép vẫn kìn kìn mọc lên, có cả những công trình quy mô lớn

Từ khu nhà ở của Công ty Thuốc lá Khánh Hội đi sâu vào bên trong chừng 1 km thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM, dù nhà cửa san sát nhau nhưng vẫn còn không ít khu đất nông nghiệp của các hộ để dành “chờ thời” sẽ bán. Thấy chúng tôi qua lại xem đất, một người tên H. giới thiệu là con rể của ông Tư Ai, chủ đất lớn nhất nhì khu vực này, cất lời mời: “Tụi em mua nền hả? Ở đây còn 3 lô (4x12 m ) nằm ngay mặt tiền đường, giá 10 triệu đồng/m2. Nếu quyết định mua thì ông già vợ anh bớt cho chút đỉnh”.

Xây cả trung tâm thể hình, có sao đâu!

Chúng tôi tỏ vẻ lo lắng: “Làm sao xây nhà trên đất nông nghiệp được? Ở huyện Bình Chánh, họ đập hàng trăm căn nhà, tụi em sợ lắm!”. H. liền trấn an: “Ông già vợ anh mới xây trung tâm thể hình cách đây 1 tháng có sao đâu. Căn nhà đúc kia anh mới xây cho mẹ anh cũng ổn hết mà”.

Đúng như lời H. nói, ngay trước mặt chúng tôi là nơi tập thể hình với biển hiệu to đùng: “Câu lạc bộ Thể hình Thanh niên”, xung quanh xây tường chắc chắn, mái lợp tôn, màu vôi còn mới với đầy đủ dụng cụ kê chật phòng. Cách phòng tập này 2 lô đất trống là căn nhà đúc 1 trệt 1 lầu.

Câu lạc bộ Thể hình Thanh niên được xây dựng trên đất nông nghiệp ở phường Hiệp Bình Chánh,
quận Thủ Đức cách đây khoảng 1 tháng nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý

Theo H., tất cả những công trình này đều nằm trên đất nông nghiệp của ông Tư Ai rộng cả ngàn mét vuông. Trên khu đất này còn có 2 dãy phòng trọ được xây từ nhiều năm trước, cả chục lô đất trống đã phân lô và đang rao bán. “Làm sao mà anh xây mấy công trình này được?”, trả lời chúng tôi, H. cho biết tất cả đều phải “chung chi” cho thanh tra xây dựng. “Em cứ xây đi thì khắc có người tìm đến, khỏi cần nhờ ai giới thiệu. Chắc chắn nếu đã chung chi thì qua hết!” - H. quả quyết.

Tuy nhiên, H. khuyên chúng tôi sau khi mua đất rồi thì đừng vội xây nhà kiên cố mà cứ xây tạm nhà cấp 4 rồi dọn vào ở, vừa đỡ tốn kinh phí “chung chi” vừa bảo đảm không bị đập. Sau khi có điện, nước, số nhà thì lúc đó hãy xin sửa chữa thêm cũng chưa muộn.

Tổ trưởng cũng xây nhà… trái phép

Ghi nhận tại khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh cho thấy nằm rải rác trên các mảnh đất nông nghiệp là những căn nhà tôn dựng tạm. Song, những căn nhà này đều khóa trái cửa, không người ở.

Anh Trung, một người sống gần khu vực này, cho biết ở đây đang rộ “mốt” làm nhà tôn để né bị đập. “Nếu xây nhà xi măng thì dễ bị thanh tra xây dựng “trảm” nên nhiều người mua đất nông nghiệp rồi dựng cây, che tôn để giữ đất, sau đó “chạy” số nhà, đồng hồ điện, nước. Lúc đó, nhà coi như đã hợp thức hóa và vô tư xây kiên cố” - anh Trung giải thích.

Trong các con hẻm của khu phố 2, rất nhiều dãy nhà trọ mọc lên bề thế. Tại con hẻm nằm gần vườn mai, một khu nhà trọ được xây kiên cố trên đất nông nghiệp với 20 căn phòng cho thuê. Một người thuê trọ cho biết dãy nhà này là của ông Hai Bún, xây cách đây 6 tháng. “Khi đang xây, công trình bị ngưng thi công vì không phép nhưng sau đó vài tuần lại xây tiếp cho đến khi hoàn tất mà không thấy bị xử lý gì” - một người dân cho biết.

Cạnh đó, một khoảnh đất chừng 60 m2 vốn là rạch thoát nước cũng vừa bị ông Hai Bún san lấp để làm chỗ cho các hộ thuê trọ hóng mát. Một người chạy xe ba gác chở đất thuê vào xây dựng ở khu vực này gợi ý: “Cứ mua đất đi thì khắc xây nhà được. Lo gì, người ta xây ồ ạt đó thôi”.

Vào một ngày cuối tháng 7-2013, khi chúng tôi đến ghi nhận tình hình xây dựng ở phường Hiệp Bình Chánh cũng là lúc dư luận đang bàn tán về 4 căn nhà của bà Lan, tổ trưởng tổ 10 C, vừa bị thanh tra xây dựng tháo dỡ. Một người dân cho biết bà Lan có nhà cũng ở trong khu phố 2 nhưng xây tiếp 4 căn không phép trên đất nông nghiệp để cho thuê. Bốn căn nhà này được xây ngay trên rạch thoát nước đã bị san lấp từ nhiều năm trước, mỗi căn rộng 20 m2, tường gạch, mái lợp tôn.

Vừa xây tường là thanh tra xuất hiện

Trên địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, nhà xây không phép cũng đầy rẫy. Ở đường số 2, khu phố 9, một khu nhà xưởng to đùng mọc lên gần một năm nay, chủ nhà đang cho mở rộng phân xưởng. Cách đó không xa, một ngôi nhà khác dù không có giấy phép xây dựng nhưng chủ đất vẫn vô tư cất nhà và hiện trong giai đoạn hoàn thiện.

Khu nhà xưởng to đùng xây không phép ở khu phố 9,
phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Ảnh: THÀNH ĐỒNG

Hầu hết các hộ dân xây nhà không phép khi được hỏi đều cho biết để được tồn tại phải “chung chi” cho lực lượng thanh tra xây dựng. “Do không có nhà ở nên gia đình tôi cất tạm căn nhà cấp 4 trên đất nông nghiệp để ở. Tôi đang chuẩn bị xây tường thì có 2 thanh tra xây dựng đến “đòi” đưa 15 triệu đồng sẽ làm lơ, nếu không sẽ báo cáo lên phường đập bỏ”- một người dân ngụ phu phố 9 phản ánh.

Ông Phan Bá Thọ, quyền Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, xác nhận từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 20 trường hợp xây nhà trái phép, phường đã cưỡng chế tháo dỡ 8 trường hợp, 5 trường hợp người dân tự tháo dỡ, số còn lại phường đang lên kế hoạch cưỡng chế. Về việc người dân “tố” phải chung chi cho cán bộ thanh tra xây dựng của phường để nhà không phép được tồn tại, ông Thọ cho biết “sẽ tiến hành xác minh cụ thể, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm”.
T.Đồng
Qúy Hiền (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.