24/08/2023 7:14 PM
TP.HCM không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại không có khả năng. Do đó, thời gian vừa qua một số nhà đầu tư đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương để tìm quỹ đất lớn hơn.

Thông tin trên được ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA) chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2023.

Theo ông Đức, những năm gần đây TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút đầu tư các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay để thu hút đầu tư và đón đầu dịch chuyển vốn đầu tư mới là quỹ đất.

Trong đó, ngoài KCX Tân Thuận thì TP.HCM đang có thêm 18 khu chế xuất (KCX), khu KCN, khu công nghệ cao đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%.

Theo ông Đức, quỹ đất của TP.HCM dành cho phát triển công nghiệp đã có sự chuẩn bị, nhưng do vướng quy hoạch, vướng đền bù giải tỏa đã hạn chế đến việc tạo quỹ đất lớn. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà đầu tư lớn, quy mô lên đến hàng trăm ha.

TP.HCM thiếu quỹ đất công nghiệp lớn để thu hút các dự án FDI quy mô lớn

“TP.HCM không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại không có khả năng. Do đó, thời gian vừa qua một số nhà đầu tư đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương để tìm quỹ đất lớn hơn”, Chủ tịch Hiệp HBA chia sẻ

Về giải pháp để tháo gỡ, ông Đức cho biết TP.HCM đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm khu đất là KCN Phạm Văn Hai 1 và Phạm Văn Hai 2 với diện tích 668 ha. Trong đầu năm 2023, Thủ tướng đã có quyết định bổ sung quy hoạch này cho TP.HCM.

Hiện nay thành phố đang tiến hành quy hoạch và đấu thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng đang là cơ hội để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó, thành phố còn quỹ đất hàng nghìn ha đang trong quá trình quy hoạch, đền bù giải tỏa để có thể đưa vào khai thác.

Bên cạnh việc thiếu quỹ đất với diện tích lớn, ông Thuận nêu thực tế một số KCN, khu chế xuất sắp hết thời hạn thuê đất. Chẳng hạn như KCX Tân Thuận đã trải qua thời gian hoạt động là 32 năm, đến năm 2041, KCX này sẽ hết thời gian thuê đất. một số khu công nghiệp khác cũng hết thời gian thuê đất. Tuy nhiên, nếu đợi đến thời điểm đó mới xem xét sẽ phát triển các KCN, KCX như thế nào trong giai đoạn 20-30 năm tới thì sẽ không kịp.

Từ thực tế quỹ đất hạn chế, ông Đức cho biết TP.HCM đã phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số đơn vị ở KCX Tân Thuận và Linh Trung với nhà xưởng 9-10 tầng để phục vụ cho những dự án phù hợp như: công nghệ thông tin, phần mềm… nhằm giải quyết một phần khó khăn. Bất động sản công nghiệp khuyến khích xây dựng nhà xưởng cao tầng.

Ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Frasers Property Vietnam, cho biết Việt Nam đang nổi lên nhiều tỉnh thành mới trong thu hút công nghiệp. Có nghĩa là việc sẽ xuất hiện sự chuyển dịch các dự án low-end (cấp thấp) tới các địa bàn công nghiệp mới để hưởng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Tại các trung tâm kinh tế như TP.HCM, Bình Dương… các dự án công nghiệp mới, tập trung R&D sẽ được ưu tiên.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang có xu hướng thiết lập nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đón đầu sự chuyển dịch của nhà đầu tư “đại bàng”.

Với nhóm này, họ yêu cầu có nhà máy, cơ sở thật nhanh để lập tức nhận đơn hàng và sản xuất. Đó cũng là lý do tại sao ngày càng có nhiều hơn những cơ sở hạ tầng cho thuê giúp khách hàng có thể vận hành nhanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.