Giữa tháng 5-2021, tám căn nhà trên kênh Đôi, phường 4, quận 8 (TP.HCM) đã bất ngờ đổ sập xuống sông khiến nhiều người dân trở tay không kịp. Những căn nhà này đều nằm trong kế hoạch di dời nhà ở trên và ven kênh rạch của quận 8 để chỉnh trang đô thị. Từ năm 2015, việc di dời nhà ven và trên kênh rạch đã được đưa vào chương trình đột phá về chỉnh trang đô thị của TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay chương trình này chưa thực hiện được do gặp nhiều vướng mắc.
Chiều 17-5, tám căn nhà trên kênh Đôi đã bị sập xuống kênh.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Đa số nhà lụp xụp, tạm bợ, chắp vá
Không khó để tìm ra vị trí hàng ngàn căn nhà dọc theo hai bờ nam - bắc kênh Đôi, trải dài trên 16 phường của quận 8. Từ trên cầu Nguyễn Tri Phương hay cầu Chữ Y nối từ khu vực trung tâm TP sang quận 8, có thể quan sát rõ diện mạo của nhà trên kênh Đôi. Đa phần là nhà ở lụp xụp, kết cấu bằng gỗ, mái tôn. Qua hàng chục năm, những căn nhà này càng trở nên cũ kỹ, thậm chí có nguy cơ sụp đổ bởi trụ chính của các căn nhà này chủ yếu bằng gỗ hoặc cừ tràm.
Nếu tiếp cận những căn nhà này từ ngoài mặt đường, chúng tôi phải đi qua rất nhiều con hẻm nhỏ, ngoằn nghoèo, có khi chỉ vừa đủ để một xe máy lưu thông. Hàng ngàn người dân sống trong những căn nhà lụp xụp này với điều kiện sống như điện, nước sạch, phòng cháy chữa cháy… đều rất hạn chế.
Theo báo cáo của UBND quận 8, địa phương này có 12.389 căn nhà lụp xụp (hơn 52.500 nhân khẩu) và khu đất ven, trên kênh rạch với diện tích hơn 955.000 m². Trong đó, có khoảng 6.400 căn nhà trên bờ, gần 4.000 căn một phần trên bờ, một phần trên kênh rạch. Số căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh rạch là hơn 2.000 căn. Những căn nhà này nằm dọc theo các tuyến sông, kênh rạch như sông Ông Lớn, rạch Ông Bé, Ông Nhỏ, Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Xáng…
Riêng tuyến kênh Đôi có hơn 6.000 căn nhà nằm hai bên bờ nam - bắc của tuyến kênh. Theo đánh giá của UBND quận 8, đa số nhà trên và ven kênh rạch đều xây dựng không hợp pháp. “Chủ yếu là nhà lụp xụp, cấp 3, cấp 4, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những căn nhà này có diện tích nhỏ, thiếu điều kiện sinh hoạt cơ bản. Một số hộ không có đồng hồ điện, nước riêng, phải câu nhờ sử dụng. Nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ ô nhiễm ngày càng tăng” - báo cáo của quận 8 nêu.
Qua khảo sát, quận 8 cũng đánh giá các khu dân cư dọc theo hai bên bờ kênh Đôi là dân cư tự phát nên cơ sở hạ tầng không đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt và an toàn cháy nổ cho người dân. Trong khi đó, các công trình phúc lợi công cộng như trường học, y tế… chỉ đáp ứng vừa đủ cho khu vực dân cư ổn định.
Lên kế hoạch di dời xong trong năm năm
Theo UBND quận 8, trong 12.400 căn nhà, khu đất trên và ven kênh rạch, quận 8 xác định trước mắt sẽ tiến hành di dời, giải tỏa toàn bộ hơn 6.000 căn nhà dọc theo hai bên bờ kênh Đôi.
Để thực hiện mục tiêu này, tháng 11-2020, Quận ủy quận 8 đã đưa chương trình chỉnh trang đô thị tuyến kênh Đôi vào chương trình hành động của Đảng bộ và chính quyền quận. Cuối tháng 2-2021, UBND quận 8 đã ban hành Quyết định số 904 để triển khai chương trình này. Trong đó, xác định trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu sẽ hoàn thành việc di dời 6.000 nhà, đất dọc theo hai bên bờ kênh Đôi và chỉnh trang đô thị dọc theo tuyến này. Kinh phí thực hiện các dự án lên đến hàng ngàn tỉ đồng và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Chỉ tính riêng bờ bắc kênh Đôi đã hết khoảng 1.666 tỉ đồng.
Theo đó, dự án bờ bắc kênh Đôi (từ cầu Chữ Y đến kênh Ngang số 2) có khoảng 1.017 căn nhà bị ảnh hưởng, quận 8 dự kiến di dời khoảng 992 căn thuộc các phường: 8, 9, 10, 12, 14. Trong khi đó, tại bờ nam kênh Đôi (từ rạch Ông Lớn đến sông Cần Giuộc) dự kiến di dời 2.670/5.055 căn nhà từ phường 1 đến phường 7.
Cùng với việc di dời, giải tỏa dân ở hai bên bờ kênh Đôi, quận 8 cũng lên kế hoạch đầu tư tuyến bờ kè và hệ thống giao thông đồng bộ các tuyến đường trong khu vực như đường Nguyễn Duy, các tuyến đường nội bộ kết nối đường Phạm Thế Hiển.
Theo UBND quận 8, từ năm 2015 đến nay quận 8 đã thực hiện nhiều việc để thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị dọc theo hai bờ kênh Đôi. Theo đó, năm 2015 quận 8 đã ban hành kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm toàn bộ dự án và tổ chức thực hiện vào năm 2018. Cũng trong năm 2018, địa phương này đã niêm yết công khai, gửi thông báo thu hồi đất đến người dân, phổ biến đến người dân. Đồng thời, tiến hành xác định pháp lý nhà đất, công trình, tài sản gắn liền với đất, tình trạng cư trú của hộ dân, tranh chấp, khiếu nại…
Theo kế hoạch của UBND quận 8, đến năm 2022 dự kiến sẽ xây dựng xong các dự thảo, lấy ý kiến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Dự kiến sẽ hoàn thành việc thi công dự án trong hai năm 2024-2025.
Tiến độ dự kiến chỉnh trang đô thị dọc kênh Đôi Đến tháng 12-2021 hoàn tất công tác di dời, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, sắp xếp chỗ ở mới cho các hộ dân ở trên và ven bờ bắc kênh Đôi tại các phường 8, 9, 10, 12, 14. Đến tháng 12-2022 hoàn thành công việc tương tự ở bờ nam kênh Đôi tại các phường 6, 7 và hoàn thành tại các phường 1, 2, 3, 4, 5 vào tháng 12-2024. Trong năm 2025 và các năm sau đó, phấn đấu hoàn chỉnh tuyến kè dọc theo hai bờ nam, bắc kênh Đôi, hoàn chỉnh tuyến đường dọc theo hai bờ kênh này và các tuyến giao thông khu vực nối liền tuyến đường dọc kênh Đôi với đường Phạm Thế Hiển. |
-
Chậm di dời hơn 20.000 căn nhà ven, kênh rạch: Sở Xây dựng TP.HCM nói gì?
TP.HCM có hơn 20.000 căn nhà ven kênh, rạch cần phải di dời, nhưng nhiều năm qua việc di dời những căn nhà này vẫn chậm trễ.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.