05/10/2022 11:14 AM
Chín tháng qua, vốn đăng ký mới của các nhà đầu tư nước ngoài vào TP.HCM chỉ đạt 348 triệu USD, nhưng đầu tư qua giao dịch góp vốn, mua cổ phần (thường gọi là M&A) lại lên đến 1,129 tỉ USD, gấp 3,2 lần so với số dự án FDI mới được cấp phép.

Nhà đầu tư ngoại chuộng M&A

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 2,97 tỉ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 567 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 348 triệu USD, giảm 7,6% về vốn so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực dẫn đầu trong thu hút vốn FDI cấp mới gồm hoạt động thông tin và truyền thông có 126 dự án, chiếm 38,6% vốn đăng ký cấp mới; kế đến là hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 217 dự án, chiếm 30,5%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 142 dự án, chiếm 9,2%.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn đón nhận dòng vốn đầu tư từ 114 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng thêm hơn 1,489 tỉ USD, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 16 dự án, chiếm 60,8% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 13 dự án, chiếm 17,8%.

M&A bất động sản đang diễn ra ở tất cả các phân khúc nhưng đáng chú ý nhất là ở các dự án nhà ở

Đáng chú ý, thành phố có 1.797 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có với vốn góp với 1,129 tỉ USD, dù giảm 16,2% so với cùng kỳ nhưng vẫn gấp 3,2 lần so với số dự án mới được cấp phép.

Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 424,2 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 222,2 triệu USD, chiếm 19,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản 203,5 triệu USD, chiếm 18%.

Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần chiếm tỷ trọng cao, lần lượt chiếm 30,3% và 21,1% trong vốn góp.

Đến 20/9 số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố là 11.007 dự án với vốn đăng ký là 55,45 tỉ USD. Với con số nói trên, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực.

Dự báo tiếp tục sôi động

Theo số liệu trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua, cả nước có 1.355 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu so với các dự án được đầu tư qua hình thức góp vốn là 2.697 lượt thì con số này gần gấp đôi. Tuy nhiên, vốn đăng ký mới vẫn chiếm áp đảo với 7,12 tỉ USD trong khi đầu tư theo hình thức M&A chỉ đạt 3,28 tỉ USD.

Năm 2022, các hoạt động M&A được dự báo có sự phục hồi nhanh theo đà của nền kinh tế. Điều này cho thấy sức chống chịu ấn tượng, bất chấp những bất ổn toàn cầu.

Với lĩnh vực bất động sản, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, nhận định M&A bất động sản đang diễn ra ở tất cả các phân khúc nhưng đáng chú ý nhất là ở các dự án nhà ở. Đối với nhà giao dịch là các quỹ đầu tư nước ngoài, trong nước hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh và hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư và tăng cường năng lực tài chính.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam có quỹ đạo tăng trưởng bền vững cũng như có mức giá hợp lý nhất so với các thị trường mới nổi khác ở Đông Nam Á. Những điểm hấp dẫn này trên thực tế đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc.

Ở một khía cạnh khác, chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy việc hình thành các dự án đô thị và khu công nghiệp mới. Điều này cũng góp phần tạo điều kiện cho các giao dịch M&A với các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các chủ đầu tư trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, đối với các dự án, những khó khăn kinh tế vĩ mô như lãi suất tăng và chi phí xây dựng tăng cao đang khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Do đó, M&A dường như là giải pháp tốt nhất có thể để đảm bảo dự án được tiếp tục phát triển.

Ông Jackson cũng nói thêm, hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để giải cứu các nhà phát triển trong nước cũng như phù hợp với tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch tin tưởng vào tiềm năng của bất động sản Việt Nam. Do đó, M&A được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới.

  • 3,5 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản

    3,5 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản

    Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.