Văn bản được UBND TPHCM gửi tỉnh Bình Dương hôm 30-10 nêu rõ, tại cuộc họp về tình hình thực hiện dự án metro số 1 vào ngày 6-8, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tỉnh Bình Dương bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 31 -10.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Vĩnh Phát và Công ty TNHH Đại Thành vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Chính quyền TPHCM lo ngại việc chậm bàn giao mặt bằng của 2 doanh nghiệp này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện gói thầu số 2 (đoạn đi trên cao) vốn đã chậm 26 tháng tính từ ngày khởi công. Điều này không những làm ảnh hưởng đến việc khảo sát thiết kế, kế hoạch thi công mà còn có nguy cơ tăng thêm chi phí bồi thường hợp đồng cho nhà thầu.
Vì vậy, UBND TPHCM đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ và khẩn trương giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng của 2 doanh nghiệp còn lại để bàn giao cho nhà thầu.
Trước đó, vào tháng 10-2013, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM phải thương lượng với liên danh nhà thầu Sumitomo và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) để được giảm tiền phạt do chậm trễ bàn giao mặt bằng tuyến metro số 1.
Chính việc chậm giải phóng mặt bằng cùng với việc phải thiết kế lại nhà ga trung tâm Bến Thành nên đến năm 2019 mới có thể hoàn thành tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và năm 2020 mới đưa vào vận hành, chậm 2 năm so với kế hoạch đã duyệt.
Tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 1,09 tỉ đô la Mỹ bằng vốn vay ODA và vốn ngân sách. Tuy nhiên, do một số hạng mục của dự án được điều chỉnh, cộng với sự biến động về giá đô la Mỹ nên tổng mức đầu tư của dự án hiện nay đã tăng lên thành 2,4 tỉ đô la. Sau khi đưa vào sử dụng, với tốc độ chạy tàu tối đa là 80 km/giờ trong đường hầm và 110km/giờ trên cầu, thời gian đi từ Suối Tiên vào trung tâm thành phố mất khoảng 29 phút. |