TPHCM cần 21.000 tỉ đồng để phat triển hoàn thiện hệ thống giao thông thủy kết nối liên vùng trong giai đoạn 2020 - 2050.

Đây là số vốn được nêu trong báo cáo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, mới được Sở Giao thông Vận tải TPHCM gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

TPHCM có lợi thế khi phát triển giao thông thủy vì mạng lưới sông ngòi dày đặc - Ảnh: Anh Quân

Trong tổng số 21.000 tỉ đồng để phát triển giao thông thủy, TPHCM sẽ sử dụng khoảng 4.100 tỉ đồng đầu tư cho các dự án cảng, luồng tuyến. Còn vốn cho duy tu, nạo vét các tuyến đường thủy dự kiến là 570 tỉ đồng mỗi năm (trong 30 năm cần 17.100 tỉ đồng).

Về nguồn vốn đầu tư các tuyến đường thủy, Sở GTVT TPHCM đề xuất xây dựng bằng vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Trong đó, sẽ xây dựng cơ chế cho thuê quỹ đất hành lang bờ sông, kênh, rạch để doanh nghiệp có thể đầu tư, khai thác hạ tầng đường thủy.

Đối với mạng lưới giao thông đường thủy nội địa TPHCM tập trung đầu tư 3 tuyến kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái (quận 2); 4 tuyến từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và hai tuyến vành đai kết nối với các tỉnh lân cận.

Cùng với việc mở tuyến, TPHCM cũng tập trung phát triển cảng, bến thủy nội địa để phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch.

Đối với hệ thống giao thông thủy để kết nối vùng, TPHCM sẽ phát triển 5 tuyến kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ gồm Sài Gòn - Thị Vải; Sài Gòn - Bến Súc; Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông); Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai).

Việc kết nối đường thủy giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nam Bộ gồm các tuyến Sài Gòn - Hà Tiên; Sài Gòn - Kiên Lương; Sài Gòn - Cà Mau; duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TPHCM đến Kiên Giang.
Đối với hệ thống cảng, bến phục vụ vận chuyển hàng hóa, TPHCM sẽ xây dựng các cảng cạn để tăng khả năng trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, chế xuất... đến cảng biển lớn.

Việc phát triển các tuyến đường thủy sẽ mang lại rất nhiều lợi ích vì vận tải thủy chở được khối lượng hàng hóa lớn, chi phí thấp, đồng thời giảm tải rất lớn cho vận tải đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho các tuyến vận tải đường thủy không đủ. Trong khi tư nhân không mặn mà với đầu tư đường thủy vì khó thu hồi vốn.

Trong danh mục mời gọi đầu tư các dự án BOT đường thủy của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ năm 2015 đến 2020, hiện nay chỉ có duy nhất dự án nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) là được làm theo hình thức BOT.

Nếu như ở đường bộ các doanh nghiệp được lập trạm để thu phí thì ở đường thủy, việc làm trạm chặn dòng để thu phí là không khả thi. Hơn nữa, đường thủy chủ yếu do tự nhiên tạo ra, việc nạo vét khơi thông dòng chảy rồi thu phí nhiều năm được cho là không hợp lý. Chính vì vậy, các dự án BOT đường thủy không thu hút được tư nhân tham gia dù cơ quan nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào đường thủy.

  • 24.400 tỉ đồng đầu tư hạ tầng kết nối TP.HCM với Long An

    24.400 tỉ đồng đầu tư hạ tầng kết nối TP.HCM với Long An

    CafeLand – Tuyến đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa), Quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc hay đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc)… là 3 trong số 7 dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ TP.HCM – Long An sẽ được đầu tư, mở rộng trong thời gian sắp tới.

Lê Anh (Saigontimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.