Không biết chờ đến bao giờ
Đó là tâm trạng chung của nhiều hộ dân sống trong các khu quy hoạch nói với chúng tôi và họ cũng đang cảm thấy quá bấp bênh trước cuộc sống tạm bợ hàng chục năm nay. Anh Phạm Thành Danh (ngụ 27/312B Ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp) nói: “Gia đình tôi ở đây mấy đời rồi, cách nay hơn 30 năm Nhà nước quy hoạch khu cây xanh, nhưng từ đó đến nay bỏ không. Đất bỏ hoang, đường lầy lội, nhà ngập lụt, ô nhiễm hôi thối từ dòng kênh Vàm Thuật là tình cảnh bao năm nay người dân phải chịu đựng…”.
Chỉ tay về phía căn nhà cấp 4 của gia đình, anh Danh nói, trước kia đó là căn chòi lá từ thời ông bà nội để lại. Cách đây hơn 10 năm, quận Gò Vấp tính cất căn nhà tình nghĩa cho gia đình (ba anh Danh là con liệt sĩ) nhưng vướng quy hoạch nên thôi. Năm 2013, anh Danh lập gia đình, xây nới căn phòng phía sau thì bị UBND phường 15 cưỡng chế, tháo dỡ.
Theo ông Nguyễn Hồng, Tổ trưởng tổ dân phố 60, tổ có hơn 90 nóc nhà thì hơn một nửa vi phạm xây dựng bị chính quyền cưỡng chế, buộc tháo dỡ như trường hợp nhà anh Danh. Cả khu vực chỉ có vài nhà tương đối khang trang, còn lại là lụp xụp, muốn xây sửa, tách thửa cũng không được vì vướng quy hoạch. Diện tích đất tổ dân phố 60 được quy hoạch thành nhiều khu: hỗn hợp, cây xanh, chợ, trường học, đường ven kênh…
“Nói vậy chứ từ mấy chục năm nay có thực hiện đâu, không làm thì điều chỉnh hoặc xóa đi để cho dân cất nhà, ổn định cuộc sống chứ để vậy hoài chịu hết nổi”, ông Hồng nói.
Ở ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) nhiều hộ dân rất vui mừng khi biết tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với lãnh đạo huyện đầu tháng 5-2016 đã đưa ra quyết định xóa quy hoạch KCN Bàu Đưng. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
Ông Nguyễn Thành, ngụ ấp 3, xã An Nhơn Tây bức xúc nói: “Xóa hay không xóa gì cũng không thấy chính quyền thông báo cho dân biết. Dân chờ hơn 10 năm nay rồi, nghe xóa ai cũng mừng. Trong khi chờ thủ tục xóa quy hoạch cứ cho dân làm sổ đỏ đặng còn tính chuyện làm ăn, giao dịch, chứ cứ ỳ ra đó không biết bao giờ mới an cư…”.
Tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè cũng có hàng chục khu đất quy hoạch làm khu công nghiệp, công viên cây xanh, công trình công cộng… Trong đó có KCN Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) quy hoạch “treo” hơn 15 năm nay, cũng vừa được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo xóa. Có nhiều hộ dân khi nghe tin này mới biết từ trước đến nay đất của mình đã bị quy hoạch làm khu công nghiệp, còn nào giờ chỉ nghe UBND xã nói “đất quy hoạch”.
Ông Trần Minh Thu (ngụ đường Dương Công Khi) bức xúc nói: “Hàng trăm hộ dân tại đây nhiều năm qua chẳng trồng trọt, làm ăn gì được vì quy hoạch. Nhiều nhà móc lớp đất thịt cho nhà vườn, hoặc trồng cỏ cho bò ăn. Có nhà mặt tiền đường cất nhà lên thì bị cưỡng chế, có đất mà chẳng làm được gì…”.
Điều chỉnh, xóa quy hoạch: Chờ thủ tục
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, từ tháng 8 đến nay UBND quận 12, đang tiến hành rà soát lại toàn bộ địa bàn 11 phường xem chỗ nào là quy hoạch cây xanh, công trình công cộng, chỗ nào là quy hoạch đã được phê duyệt thực hiện các dự án.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo quận là nơi nào quy hoạch không còn phù hợp, quận và TP không có nhu cầu sử dụng là đề nghị TP xóa ngay quy hoạch để tạo điều kiện cho người dân được cấp giấy chứng nhận, xin phép xây dựng”. “Khoảng mấy tháng thì xong thủ tục này?”, chúng tôi hỏi. Ông Đức cười, nói: “Cái này cũng tùy tình hình thực tế”!
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP, trình tự, thủ tục xóa hoặc điều chỉnh quy hoạch “treo” nhanh hay chậm đều do chính quyền cấp phường - xã - thị trấn và quận huyện. Luật không quy định trình tự, thủ tục cụ thể gồm có những gì nhưng để được phê duyệt, trước tiên chính quyền cấp phường xã phải đưa ra dân lấy ý kiến rồi thông qua HĐND ra nghị quyết.
Căn cứ nghị quyết này UBND quận huyện tổng hợp, đánh giá lại lần nữa và trình kỳ họp gần nhất của HĐND quận xem xét, quyết định. Sau bước thủ tục này UBND quận huyện mới gửi lên Chủ tịch UBND TP để nơi đây chỉ đạo các sở ngành liên quan tiến hành thẩm định, đánh giá lại một lần nữa trước khi trình phê duyệt.
Các bước thủ tục này theo đánh giá có nhanh lắm cũng phải mất 1 năm. Chưa kể, một số đồ án quy hoạch được làm cách nay hơn 10 năm trở lên muốn điều chỉnh hay xóa còn phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi thẩm định, phê duyệt.
Đối với các công trình, dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước sau 3 năm, kể từ ngày kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa đủ kinh phí để thực hiện thì được phép điều chỉnh. Đối với các công trình, dự án đầu tư khác mà không đủ kinh phí hoặc chưa xác định được nhà đầu tư để thực hiện thì phải công bố hủy bỏ. Hiện nay, một số địa phương không thực hiện việc công bố kế hoạch sử dụng đất hoặc có công bố nhưng sau 3 năm kế hoạch sử dụng đất đó chưa được thực hiện vẫn không tuyên bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ cho nhân dân biết.