29/06/2015 9:13 PM
Hiện nay, 1/3 cư dân đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn về nhà ở, kể cả nhiều cư dân sống lâu năm trong khi thành phố không có quỹ đất sạch với quy mô lớn hàng trăm hécta để làm nhà ở xã hội tập trung, điều này dẫn đến việc người dân lao động nhập cư đã phải lấn chiếm kênh rạch làm nơi cư ngụ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/6.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả doanh nghiệp lớn kinh doanh bất động sản không mặn mà với dự án nhà ở xã hội. Mặt khác, các dự án nhà ở xã hội hiện nay chưa được xây đúng nghĩa mà chỉ là chuyển đổi từ nhà ở thương mại diện tích lớn sang căn hộ nhỏ hoặc chung cư tái định cư.

Liên quan đến vấn đề này, tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không có loại nhà ở thương mại nào dành cho người lao động tự do nghèo. Nhà ở xã hội đang là mảng trống trong chính sách nhà ở hiện nay. Điều này đã khiến người dân phải tự xoay sở chỗ ở của mình bằng cách sống co cụm nhiều người trong căn hộ nhỏ, xa trung tâm, thậm chí lấn chiếm để làm nhà ở tại nhiều tuyến kênh ở khu ngoại thành.

Góp ý về chính sách phát triển nhà ở, ông Nguyễn Văn Đực cho biết, Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm tuyệt đối của mình, không thể giao phó cho doanh nghiệp. Việc ép doanh nghiệp dành 15-20% số căn hộ trong dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội là gây khó khăn cho chiến lược sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, cần thiết thành lập tập đoàn phát triển nhà ở, dành các quỹ đất khu vực ngoại ô để phát triển nhà ở xã hội. Việc làm dự án nhà ở xã hội phải có quy hoạch lâu dài, hình thành cả khu đô thị tách riêng với nhà ở thương mại. Ngoài ra Nhà nước cũng cần tăng cường làm nhà công vụ cho thuê.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Võ Kim Cương, cơ quan Nhà nước cần phải đổi mới quan điểm quản lý phát triển đô thị, lấy mục tiêu vì con người, phát triển ổn định, bền vững làm cơ sở để giải quyết hài hòa các lợi ích của người dân, không thể chỉ vì bộ mặt của đô thị mà hy sinh lợi ích của người dân, nhất là tầng lớp dân nghèo.

Mặt khác chính quyền đô thị cũng phải chấp nhận người nhập cư là công dân của mình, có nhiều hình thức trợ cấp và bao cấp nhất định cho họ, đặc biệt là phát triển thị trường nhà cho thuê.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng phát triển nhà và Thị trường bất động sản – Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần phải có trách nhiệm nhưng không phải bỏ ra 100% vốn để xây dựng mà cần xã hội hóa, cần sự tham gia của doanh nghiệp và nhân dân.

Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về thuế sử dụng đất, lãi suất vay… cũng chính là hỗ trợ người dân vì khi đó giá sản phẩm sẽ thấp, người dân tiệm cận được với giá bán./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.