12/12/2018 8:43 AM
CafeLand - Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, cho biết trong năm 2018, lượng tồn kho bất động sản mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khoảng 23.000 tỉ đồng, tập trung ở các dự án nằm ở xa trung tâm các đô thị, hạ tầng hầu như chưa có hoặc chưa hoàn thiện.

Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng.

Tại buổi hội thảo Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản do CafeLand tổ chức ngày 11-12, ông Phấn đánh giá thị trường bất động sản 2018 không có nhiều biến động, số lượng giao dịch khá ổn định, giá cả không biến động nhiều so với 2017.

Tuy nhiên, theo ông Phấn, thị trường bất động sản năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý.

Nguồn cung nhà ở trung cao cấp hiện nay đang dư thừa, trong khi phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp lại thiếu.

Theo phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20-30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70-80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, mới chỉ đạt khoảng trên 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở là đến năm 2020 cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Một trong những khó khăn hiện nay là thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi.

Ông Phấn nhận định, hiện nay và trong thời gian tới nguồn cung về nhà ở xã hội còn rất hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu của người nghèo, người thu nhập thấp. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, có giá bán thấp là rất lớn. Chỉ có điều, hiện nay cơ chế và chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phân khúc này.

Một hạn chế nữa của thị trường bất động sản 2018 cũng được ông Phấn chỉ ra, đó là vấn đề giao đất, cho thuê đất, đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cho người mua còn chưa thống nhất, chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tại một số khu vực như Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa, Phú Quốc - Kiên Giang, khu vực sân bay Long Thành – Đồng Nai, một số khu vực có mức độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM và Hà Nội trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã có nhiều biến động, giá đất tăng cao.

Tình trạng tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân vẫn còn diễn ra ở nhiều tòa nhà chung cư. Về việc này, theo ông Phấn, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng và đã có chỉ thị chấn chỉnh.

Nói về thị trường năm 2019, ông Phấn khẳng định sẽ không có bong bóng bất động sản. Nhưng thị trường có thể xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại một số khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu, khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở khu vực trung tâm.

Ông Phấn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng thiết yếu trong và ngoài dự án nhà ở xã hội, đặc biệt tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Các địa phương nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha do các chủ đầu tư nộp để phát triển nhà ở xã hội.

UBND các tỉnh cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở bình dân, giá thấp để họ đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Một vấn đề cấp thiết khác, theo ông Phấn, cần kiểm tra, rà soát đó là các dự án bất động sản đã cho phép đầu tư, đặc biệt là các dự án nhà ở cao cấp. Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì các tỉnh thu hồi theo quy định của luật đất đai. Đối với dự án trung và cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh sang phân khúc bình dân thì xem xét giải quyết thủ tục.

Ngoài ra, ông Phấn cho rằng cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng cắt giảm tối đa các điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh và bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có khó khăn về nhà ở.

Đồng thời sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách thuế nhằm chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, sử dụng hiệu quả đất đai; hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ để đưa vào khai thác, vận hành.

  • Bức tranh bất động sản 2019 vẫn sáng

    Bức tranh bất động sản 2019 vẫn sáng

    CafeLand - Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản 2019” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức tại TP.HCM sáng nay (11/12).

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.