Giải ngân vốn ODA khá chậm khiến Chính phủ sốt ruột. “Tối hậu thư” đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
Dự án đội vốn, Chính phủ sốt ruột
Hàng loạt dự án quy mô lớn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư “điểm mặt chỉ tên” vì đã làm chậm tiến độ giải ngân vốn ODA của cả nền kinh tế. Đó là các dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên hay Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương…
Dự án tuyến Cát Linh - Hà Đông đội vốn cả chục ngàn tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh
“Tất cả các dự án này đều điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án; quy trình, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án do phải tiến hành thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Tiến độ chậm đã đành, việc tổng mức đầu tư hàng loạt dự án được điều chỉnh tăng mạnh cũng khiến Chính phủ sốt ruột. Gần như tất cả các dự án đường sắt đô thị đều gặp tình trạng trên. Chẳng hạn, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỷ đồng. Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên cũng tăng vốn từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng; Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương dự kiến tăng từ 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng…
Trong khi đó, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng; Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội tăng từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR…
Nhưng đội vốn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án ODA. Những nguyên nhân nổi cộm khác được chỉ ra là do thiếu kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách Trung ương và thiếu vốn đối ứng.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm đầu năm 2017, trong giai đoạn 2018 -2020, có 418 dự án còn hiệu lực với số vốn chưa giải ngân là trên 15 tỷ USD. Sau năm 2020, còn 53 dự án, với tổng số vốn chưa giải ngân khoảng 3,7 tỷ USD. Đặc biệt, trong số này, có tới 22 dự án với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 5,1 tỷ USD, chậm tiến độ rất lớn. Có những dự án có tổng mức đầu tư lớn, triển khai hơn 4 năm, nhưng giải ngân rất thấp (dưới 30%).
“Tối hậu thư” của Thủ tướng: Không làm được thì cắt vốn
Báo cáo Chính phủ về những vướng mắc trong giải ngân vốn ODA, ngoài các đề xuất quan trọng liên quan đến việc xử lý các vướng mắc về kế hoạch vốn nước ngoài, đẩy nhanh thủ tục thanh quyết toán cho các chương trình, dự án…Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc phải tập trung rà soát dự án chậm tiến độ, kiên quyết hủy vốn không hiệu quả.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại, theo đó những dự án đã ký kết hiệp định trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu… thì xác định lại và trình cấp có thẩm quyền chuyển các khoản vay này sang thực hiện các dự án hiệu quả hơn.
“Kiên quyết hủy vốn các hợp phần hoặc hoạt động không cần thiết, trả lại các khoản vốn vay không có nhu cầu sử dụng. Tránh gia hạn với các dự án sử dụng không hết vốn, nhưng cơ quan chủ quản đề xuất gia hạn để thực hiện các hoạt động không phải cấp bách”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về một số vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra “tối hậu thư” đối với việc giải ngân vốn ODA.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. “Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác, mà không cần đến vốn vay ODA”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, liên quan đến việc hàng loạt dự án đội vốn đầu tư, gây hệ lụy không nhỏ, Thủ tướng chỉ đạo, tất cả các dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại để có biện pháp xử lý, đặc biệt là không để kéo dài. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu, tránh để tình trạng chỉ định các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên…
Hà Nguyễn (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.