Thông tin ba tòa nhà được xây dựng ở khu đô thị Sài Đồng với quy mô 150 căn hộ nhằm mục đích làm nhà tái định cư bị bỏ hoang hơn 10 năm và có khả năng bị đập bỏ đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Tòa nhà hơn 10 năm bỏ hoang vừa bị đề nghị phá bỏ. Ảnh: kinhtedothi.vn

Đến nay, theo phản ánh từ báo chí thì chỉ có một hộ đến đây ở. Con số ít ỏi này nói lên điều gì, có quá ít sự đồng thuận, có quá ít sự mặn mà của những người “đủ tiêu chuẩn” đồng ý đến ở trong tòa nhà.

Lý do người dân không nhận nhà tái định cư dù đã hoàn thành từ năm 2006 được cho là nhà không có thiết kế phù hợp; không có tầng hầm, không có thang máy… nên người dân phản đối, không đến ở.

Còn chủ đầu cũng có cái lý của riêng mình. Và có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới hiểu nhất lý do vì sao lại để xảy ra tình trạng nhà xây hơn 10 năm không sử dụng ngay tại Hà Nội – khu vực khá sầm uất, phát triển: Sài Đồng – Long Biên.

Như vậy có thể thấy giữa chủ đầu tư và người được quyền sử dụng ngay từ ban đầu đã không tìm được tiếng nói chung. Không những thế, trong suốt 10 năm qua, tiếng nói chung ấy cũng vẫn bị rơi vào bế tắc.

Một câu hỏi được đặt ra là, liệu có phải những tòa nhà này được xây dựng với chất lượng thấp nên người dân không mặn mà, không có tiếng nói, không tin tưởng nên cách tốt nhất là từ chối?

Mới đây công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Handico3) đã đề xuất thành phố Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ ba tòa nhà tái định cư trên. Đề nghị này khiến không ít người băn khoăn và thấy quá lãng phí.

Bởi trong khi còn rất nhiều người nghèo không có nhà phải vạ vật ở bến tàu, bến xe, những nơi công cộng thì có những khu nhà 6 tầng xây mới lại có nguy cơ phá bỏ.

Bởi còn biết bao người vì gấc mơ về một chốn an cư để lạc nghiệp phải chật vật tích cóp hàng bao nhiêu năm trời, vay ngược vay xuôi anh em họ hàng mà có những tòa nhà xây xong lại đập đi.

Và cũng còn không biết bao người phải ở những chung cư cũ đã mấy chục năm mục nát, xuống cấp, nguy hiểm, nhưng không có sự lựa chọn nào khác họ vẫn phải chắp vá để sống qua từng ngày.

Bất kỳ một đô thị nào, những cảnh đối lập không hiếm xảy ra, nên mới có cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Bên cạnh những khu nhà ổ chuột của những người lao động nghèo lại có biết bao ngôi biệt thự tiền tỉ bỏ hoang. Nhưng sự đối lập này mang tính cá nhân, rơi vào cá nhân ai, do hoàn cảnh, do sự tính toán sai thì bản thân phải gánh chịu. Còn ở đây, cả ba tòa nhà nằm trong dự án để tái định cư tại chỗ khi thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng – nghĩa là không phải một cá nhân mà một đơn vị đứng ra lại để xảy ra tình trạng này.

Nếu phá bỏ ba tòa nhà này đi là một sự lãng phí rất lớn, nó cho thấy sự thất bại về cái gọi là tái định cư. Và chắc chắn, đây không phải là tiền túi của một cá nhân, vì vậy giả sử phá bỏ thì ai sẽ chịu trách nhiệm, số tiền xây dựng hơn 10 năm trước sẽ như thế nào?

Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập hai phương án: Một là cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội, hai là phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới. Nếu phương án nào tối ưu sẽ thực hiện.

Sự yêu cầu của Thành ủy Hà Nội là chính đáng, nhưng dù tương lai phương án nào đi chăng nữa được thực hiện thì cũng phải thấy đây là một thực trạng về chính sách tái định cư bộc lộ nhiều bất cập. Nếu không tìm ra nguyên nhân, truy trách nhiệm và giải quyết đến tận cùng thì e rằng số phận tòa nhà tái định cư kể trên không phải là cá biệt, sẽ có những trường hợp tương tự xảy ra mà chúng ta chỉ có thể ngậm ngùi, chấp nhận sự lãng phí vô lý.

Nhị Xuân (Tổ Quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.