Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý với kết quả kiểm tra, rà soát của Bộ Tài chính liên quan đến xử lý kết luận thanh tra Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. UBND tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất và thu tiền sử dụng đất từ việc chuyển nhượng, bán đấu giá quỹ đất thương phẩm 25% của Dự án.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát lại diện tích đất đã giao trên thực tế cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt với diện tích đã bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân khi thu hồi đất và việc thu hồi tiền thuế nợ đọng của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt theo Văn phòng Chính phủ hồi tháng 2/2018 và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2018.
Dự án Khu chung cư, biệt thự Quang Minh có quy mô 45 ha, khởi công năm 2000 và hoàn thành năm 2008, gồm hàng trăm biệt thự diện tích từ 250 đến 400 m2. Dù đã đi vào hoạt động nhiều năm, dự án vẫn còn rất nhiều biệt thự bỏ hoang.
Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Long Việt gồm các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ và Công ty Sản xuất và Thương mại Tân Đức, làm chủ đầu tư.
Trước đó, cuối tháng 2/2018, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về xử lý kết luận thanh tra Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh.
Theo thông báo kết luận trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng phương pháp tính tiền sử dụng đất và thu tiền sử dụng đất từ việc chuyển nhượng, bán đấu giá quỹ đất thương phẩm 25% của Dự án Khu đô thị Quang Minh tại thời điểm năm 2006 trên cơ sở quy định của pháp luật về đất đai là phù hợp tình hình thực tế của địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2008, khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, giới đầu tư đã đổ xô về đây mua đất để đầu tư dự án khiến giá đất bị đẩy lên nhanh chóng. Giai đoạn sốt nóng, tại Mê Linh xuất hiện gần 50 dự án là nhà ở, khu nhà vườn, KCN, chung cư, dịch vụ giải trí, du lịch… Tiêu biểu là các dự án như KĐT Cienco5 (68ha); khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong; KĐT mới CEO (21ha); KĐT mới Tiền Phong, KĐT AIC (hơn 90 ha), KĐT mới Minh Giang - Đầm Và, KĐT Quang Minh…
Tại các dự án này, giá đất từng đạt tới 25-30 triêu đồng/m2 so với giá khởi điểm là khoảng 3 triệu đồng/m2. Có thời điểm chỉ trong vòng 1 tuần, mức tăng có thể đạt 50% ở giai đoạn sốt nóng, cá biệt tại Tiền Phong, đất bị đẩy giá lên 4-5 triệu đồng/m2 chỉ trong 2-3 ngày.
Tuy nhiên, giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, Mê Linh bị ảnh hưởng mạnh. Các giao dịch bị đóng băng, các dự án rơi vào tình trạng hoang hóa, một lượng vốn khổng lồ của giới đầu tư bị chôn vùi. Gần chục năm trời, Mê Linh không có những công trình hay khu đô thị nào mọc lên như những tên gọi mà các nhà đầu tư đặt cho trước đó.
Theo ghi nhận của CafeLand, dọc hai bên đường nối xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tiền Phong,… hàng chục mảnh đất đến giờ vẫn nằm im, cỏ mọc um tùm không khỏi xót xa.
Điển hình nhất là xã Tiền Phong, nơi được cho là tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị như Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt (24,3ha), Khu đô thị Minh Giang – Đầm Và (2 giai đoạn với gần 22ha), Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn (trên 60ha)… đến nay đều trong tình trạng “án binh bất động”.