16/11/2021 1:05 PM
Cánh cửa của thị trường lao động đóng sập lại trước mắt nhiều người trẻ tuổi trên khắp thế giới, và hậu quả của tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

Những con đường sự nghiệp được lên kế hoạch cẩn thận bỗng biến thành ngõ cụt, những tấm bằng đại học không còn cơ hội được sử dụng, những công việc đáng mơ ước ở nước ngoài đang biến mất. Dù đại dịch kết thúc, cuộc khủng hoảng việc làm với giới trẻ sẽ vẫn còn, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi.

Số lượng việc làm và thời gian làm việc đều giảm

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 06/2021, số lượng thanh niên có việc làm trên toàn thế giới đã giảm 8,7% vào năm 2020, so với mức giảm 3,7% ở nhóm trưởng thành. Mặc dù thị trường lao động đang tiếp tục phục hồi nhờ sự trở lại của nền kinh tế, các nhà nghiên cứu của ILO vẫn lưu ý rằng dữ liệu về tình trạng thất nghiệp do các chính phủ tổng hợp chỉ đưa ra một phần của các vấn đề hiện nay. Báo cáo của ILO nhấn mạnh một số liệu khác, tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không được học hành hoặc đào tạo - được gọi là tỷ lệ NEET - vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch ở hầu hết các quốc gia.

Niall O’Higgins, một trong những tác giả thực hiện báo cáo trên của ILO, cảnh báo về hậu quả của việc bị loại khỏi thị trường lao động trong một thời gian dài: “Việc những người trẻ tuổi thất nghiệp trong một thời gian dài có thể hủy hoại triển vọng thu nhập cá nhân, năng suất xã hội và tiềm năng thu nhập trong dài hạn”.

Những tác hại đang vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế. Ở các quốc gia có dân số tương đối trẻ, việc một số lượng lớn thanh niên thất nghiệp có thể gia tăng tình trạng phạm tội và bất ổn chính trị.

Nhiều người lạc quan cho rằng giới trẻ có thể nhanh chóng quay lại thị trường việc làm nhờ dễ thích nghi với các công nghệ tiên tiến và học được nhiều kỹ năng mới. Đồng thời, sự phát triển của nền kinh tế gig và việc đẩy nhanh tốc tiêm chủng để mở cửa lại biên giới và khôi phục kinh tế có thể giúp người trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài.

Nhưng trên thực tế, thách thức lại đến từ việc làm sao để có đủ việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động. Ngay cả trước đại dịch, Liên Hợp Quốc ước tính thế giới sẽ cần 600 triệu việc làm trong vòng 15 năm tới để đáp ứng nhu cầu việc làm của thanh niên.

Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Paul Romer cho biết, các chính phủ sẽ phải sáng tạo, thậm chí cần thiết kế các chương trình hành động ở quy mô lớn để tăng số lượng việc làm, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi.

“Thất nghiệp gây ra nhiều thiệt hại đắt giá hơn so với những gì chúng ta nhận thấy. Không chỉ là thu nhập hay sản phẩm, thất nghiệp khiến người lao động đánh mất kỹ năng và khả năng học tập kiến thức mới”.

Theo Báo cáo Triển Vọng Việc làm và Xã hội tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của ILO, đại dịch đã thổi bay 81 triệu việc làm trên toàn thế giới trong năm qua. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% – 5,7% trong năm 2020.

Tình hình việc làm của thanh niên tại một số quốc gia

Giới trẻ tại các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển được coi là bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thất nghiệp do Covid-19.

Việt Nam

Tính đến tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu trong tổng số 54,6 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng Cục Thống kê, Covid đã tước đi cơ hội làm việc của 1,6 triệu người trong năm 2020. Đồng thời, đại dịch đã khiến thu nhập bình quân của người lao động giảm xuống 5,5 triệu đồng, ít hơn 2,3% so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam (15 – 24 tuổi) là 7,85%. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.

Philippines

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Philippines đã giảm xuống 18% vào tháng 9 năm 2021, từ mức cao nhất là 32% vào tháng 4 năm 2020, nhưng vẫn gần như gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp của toàn quốc. Thanh niên Philippines có việc làm cũng làm việc ít giờ hơn so với trước.

Brazil

Ở Brazil, cuộc khủng hoảng do Covid đặc biệt nghiêm trọng đối với những người trẻ đã đổ thời gian và tiền bạc vào giáo dục ở bậc đại học. Cơ hội tìm được việc làm của nhóm này rất mỏng manh hoặc đã biến mất. Số người Brazil có trình độ đại học lâm vào tình trạng thất nghiệp đã tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên 3,5 triệu người vào năm 2020, đạt mức 43%. Đối với tất cả các nhóm tuổi, đại dịch đã làm tăng tỷ lệ không có việc làm lên 23%.

Ấn Độ

Số người trong độ tuổi lao động của Ấn Độ tăng khoảng một triệu người mỗi tháng, nhưng chưa đến 10% có thể đảm bảo tìm được việc làm trong nền kinh tế chính thức. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ Pvt, mặc dù tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã phục hồi từ vực sâu khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 20 đến 24 tuổi là gần 39% vào tháng 3/2021.

Trung Quốc

Trung Quốc đã phục hồi theo hình chữ V từ đợt bùng phát dịch lần đầu tiên, nhưng tốc độ của nền kinh tế đã chậm lại rõ rệt trong năm 2021. Do đó, nhiều người trẻ khó tìm được chỗ đứng trên thị trường lao động.

Theo số liệu chính thức, Trung Quốc sẽ có 9,1 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp vào năm 2021, vượt qua mức kỷ lục 8,7 triệu người của năm ngoái. Thật không may cho tất cả những sinh viên mới tốt nghiệp này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cắt giảm tuyển dụng lao động. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ có thêm 11,9 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị, giảm so với mức 13,5 triệu của năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt đỉnh cao nhất là 16,8% vào tháng 7 năm 2020. Mặc dù đã giảm xuống mức 14,6% vào tháng 9 năm 2021, nhưng khoảng cách giữa tỷ lệ thanh niên và người trưởng thành không có việc làm đã nhiều hơn 3 điểm phần trăm so với cuối năm 2019.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền trung ương Trung Quốc đang thúc đẩy một kế hoạch hành động bao gồm hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp, tăng cường đào tạo nghề và tăng sức hấp dẫn cho các công việc trong nhà máy.

Nam Phi

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, 58% trong số những người từ 18 đến 24 tuổi tại Nam Phi đã thất nghiệp. Nhiều người trong số đó tìm đến ma túy, rượu hoặc phạm tội như một cách giải tỏa khi không có cơ hội để làm việc và vươn lên trong cuộc sống.

Nếu tính cả những người muốn chuyển sang một công việc mới, cứ 5 người trẻ Nam Phi thì có 4 người thất nghiệp. Thực trạng này một phần là do Covid-19, nhưng sâu xa hơn là căn bệnh kinh niên của quốc gia này, nơi mà hệ thống giáo dục rối loạn và nền kinh tế trì trệ suốt một thời gian dài.

Chủ đề: Kinh tế thế giới
Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS

    Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS

    Ngày 6/1, Indonesia chính thức trở thành thành viên đầy đủ của BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược đối ...

  • 9 quốc gia sẽ gia nhập BRICS từ ngày 1/1/2025

    9 quốc gia sẽ gia nhập BRICS từ ngày 1/1/2025

    Nga vừa công bố danh sách 9 quốc gia chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày 1/1/2025. Động thái này đánh dấu bước mở rộng quan trọng của khối BRICS, đồng thời mở ra tiềm năng tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gi...

  • Hai tỷ phú Ấn Độ rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD

    Hai tỷ phú Ấn Độ rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD

    Hai tỷ phú hàng đầu Ấn Độ, ông Mukesh Ambani và ông Gautam Adani, đã chính thức rời khỏi câu lạc bộ "centibillionaire" (những người sở hữu tài sản trên 100 tỷ USD).

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.