Mới đây chị L. (ở quận Phú Nhuận, TP.HCM), người quen của tôi, cần mua cho con một căn nhà vừa túi tiền và không quá xa nơi cư trú hiện tại. Chị “mê” ngay một căn nhà có lầu được quảng cáo là “ở đường Nguyễn Kiệm nối dài”. Tuy nhiên khi muốn đi xem nhà, chị tìm mãi không thấy địa chỉ. Liên lạc qua điện thoại với người rao bán, chị L. mới vỡ lẽ cái gọi là “đường Nguyễn Kiệm nối dài” ấy ở xa đường Nguyễn Kiệm... gần 6km, mãi tận Ngã Tư Ga thuộc quận 12 chứ không phải quận Phú Nhuận hay quận Gò Vấp nơi có đường Nguyễn Kiệm.
Nghe chị kể lể, tôi định giúp chị tìm nhà nên bắt đầu tìm thông tin quảng cáo rao bán nhà trên mạng Internet, tờ rơi phân phát tại nhà dân, các giao lộ... và thật sự thấy như lạc vào “ma trận” với những quảng cáo kiểu “có cánh”, thậm chí bóp méo sự thật.
Đơn cử như một số dự án chung cư đang triển khai xây dựng gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thuộc quận Phú Nhuận và quận Tân Bình. Dựa trên thông tin cơ bản khá ít ỏi của chủ dự án, đội ngũ rất đông những người môi giới đã “gia công chế biến” thêm nhiều thông tin khác với sự thật để thu hút khách hàng.
Vị trí dự án chỉ ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, gần công viên Gia Định... thì họ “hô biến” thành “ngay sân bay Tân Sơn Nhất”, “ngay công viên Gia Định”, “ngay Bệnh viện 175”... Căn hộ mới bắt đầu khoan móng, chuẩn bị giao dịch họ đã đưa thông tin “sắp hết hàng”, “ưu tiên khách hàng là nhân viên ngành hàng không”... để tăng độ nóng cho thị trường.
Thông tin giá cả cũng được quảng cáo rất mập mờ. Như một dự án căn hộ ở quận Tân Bình, TP.HCM, theo tờ rơi được đội ngũ môi giới phân phát liên tục đến từng hộ gia đình trong khu vực thì chỉ cần chưa tới 170 triệu đồng là sẽ “sở hữu ngay một căn hộ hai phòng ngủ” ở dự án đắc địa này.
Hỏi ra mới biết số tiền trên mới là nghĩa vụ người mua nhà phải đóng lần đầu (bằng 1/10 tổng giá trị căn hộ) khi đăng ký mua căn hộ có diện tích, giá bán thấp nhất tại dự án này. Và ngay cả khi dự án hoàn thành, người mua đã trả đủ tiền theo hợp đồng và nhận nhà thì cũng còn phải đợi hàng năm mới có thể hoàn thành các thủ tục để có quyền sở hữu chứ làm gì có “sở hữu ngay” như những lời quảng cáo “có cánh” nói trên.
Thời gian gần đây, dư luận báo chí phản ánh tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang nhích lên khá, kéo theo đó là tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và thị trường bất động sản đang khởi sắc trở lại.
Có lẽ do nguồn cung bùng nổ dẫn đến cạnh tranh quyết liệt đã lôi kéo đội quân môi giới với phí hoa hồng cao nên việc quảng cáo bán nhà, căn hộ cũng “trăm hoa đua nở” vô cùng phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Tình trạng quảng cáo thiếu trung thực, thậm chí sai lệch hoàn toàn về hàng hóa bất động sản đang “đổ bộ” lan tràn trên mạng Internet, tờ rơi phân phát tại nhà dân, các giao lộ đã tác động làm méo mó thông tin về thị trường.
Mua nhà ở, đất ở là một nhu cầu lớn và chính đáng của đông đảo người dân các đô thị. Tuy nhiên trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong “ma trận” thông tin thị trường bất động sản hiện nay thì người mua, kể cả nhà đầu tư kinh doanh, cũng cần tỉnh táo xem xét thật kỹ các thông tin liên quan tới dự án.
Với những người chưa có kinh nghiệm tốt nhất là nên tham khảo các nhà tư vấn, những người nhiều kinh nghiệm... để không bị mắc lừa hoặc hớ khi tìm cho mình một “tổ ấm”, dù là nhà ở riêng lẻ hay căn hộ chung cư.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...