Sau khi điểm lại bức tranh ảm đạm của kinh tế 6 tháng đầu năm, tiến sỹ Đào Văn Hùng, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo “Thách thức kinh tế vĩ mô, khó khăn thanh khoản của nền kinh tế và giải pháp cho doanh nghiệp” đã nêu bật hai mối lo của nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm. Cuộc hội thảo do học viện Chính sách và phát triển và cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 28/6 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu.
Sáp nhập ngân hàng mới chỉ là hình thức
Theo ông Đào Văn Hùng, nghẽn mạch tín dụng đang được xem như là một trong các nút thắt mới của nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng ở mức âm 1,3%. Khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn vay ngân hàng thương mại (NHTM) của doanh nghiệp và cá nhân rất thấp. Thị trường tín dụng đóng băng, kênh dẫn vốn tín dụng với nền kinh tế bị tắc nghẽn.
Hầu hết các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, do nợ quá hạn, nợ xấu cao, phương án kinh doanh không hiệu quả, tồn kho cao, sản phẩm không tiêu thụ được…Về phía các ngân hàng, lãi suất cho vay cao hơn mức lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp, doanh nghiệp càng vay càng lỗ. Lãi suất cho vay lớn hơn chỉ số ROIC, chi phí quản lý của ngân hàng quá cao (lương, chi phí trích lập dự phòng rủi ro… Thêm nữa, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cao do chính sách lãi suất cho vay không khống chế trần mà do ngân hàng quyết định.
Ông Đào Văn Hùng còn cảnh báo việc gia tăng nhanh chóng nợ xấu của doanh nghiệp và NHTM. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của NHTM đến tháng 6.2012 đạt tỷ lệ 10%, bằng 4,5 tổng tài sản có của hệ thống NHTM và chiếm hơn 92% tổng nguồn vốn chủ sở hữu của hệ thống NHTM. Điều này cho thấy, một số NHTM cổ phần có thể đã bị “phá sản về kỹ thuật”. Xu hướng nợ xấu còn phát sinh tăng từ nay đến cuối năm, làm tăng tỷ lệ nợ xấu thực tế của NHTM.
Ông Hùng cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng vừa qua mới chỉ bắt đầu sáp nhập về mặt hình thức pháp lý, mô hình tổ chức chưa tái cơ cấu về thể chế, tái cơ cấu về quản trị, tài chính. Đặc biệt là nợ xấu chưa giải quyết được. Nếu không giải quyết được nợ xấu, thì chi phí vốn của NHTM rất cao, hiệu quả kém, khiến chúng không thể hoạt động được. Xử lý nợ xấu là điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu ngân hàng.
Tiền đang chạy ngược về đầu tư công?
Đến từ dự án Hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế (Star Plus) do USAID tài trợ, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Đỗ Chí đặt vấn đề, trong khi tín dụng cho khu vực tư nhân cạn kiệt thì nguồn vốn của nền kinh tế đang chảy vào đầu tư công. Dân gửi tiền tăng, dù lãi suất giảm mạnh, ngân hàng thừa tiền nhưng không cho doanh nghiệp tư vay, tiền vào trái phiếu Chính phủ do ngân sách huy động để tăng chi tiêu công của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, vấn đề bội chi ngân sách nhảy vọt và tăng nợ công sẽ xảy ra vào nửa còn lại của năm 2012 này. “Liệu đây có phải là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, hay thật sự đang đi ngược lại nghị quyết 13 vừa ban hành?”, ông Chí nêu câu hỏi.
Ông Phạm Đỗ Chí cũng nhấn mạnh đến “hình dạng kỳ cục” của lượng tiền trong nền kinh tế. Khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bơm một lượng tiền khổng lồ là 300.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2011 cho các ngân hàng mất khả năng thanh khoản, nhưng các tháng đầu năm 2012, tín dụng cho kinh tế vẫn âm, tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm âm 0,89% so với đầu năm.
Theo ông Chí, kể cả các ngân hàng mang tiền đi mua trái phiếu Chính phủ, thì khoản dành cho trái phiếu theo Quốc hội cũng ở mức 40.000 – 50.000 tỷ/năm. Vậy thì tiền đã đi đâu? “Chúng ta cần làm rõ xem có phải các ngân hàng mua qua bán lại mà chúng ta không biết”, ông Chí đề nghị.
Đáng chú ý, theo ông Chí, trong 5 tháng đầu năm, tiền gửi vẫn tăng 5,42%, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,47%, nhưng tín dụng vẫn âm (-0,8%). Tín dụng đã âm lớn 2% trong tháng 5 sau khi đã tăng được gần 1,3% trong tháng 4. Đây là hiện tượng đảo nợ cho doanh nghiệp: luồng vốn mới của các ngân hàng là dùng thay nợ cũ, không phải cho nợ mới của doanh nghiệp để sản xuất. Độ thẩm thấu tín dụng của các doanh nghiệp rất thấp, bên cạnh chính sách “khôn ngoan” của ngân hàng tránh rủi ro bằng cách tránh cho doanh nghiệp vay mới và dồn tiền mua trái phiếu Chính phủ (đã bán 7000 tỉ trái phiếu trong phiên ngày 11/5 mặc dù lãi suất 2 năm xuống dưới 9%) hay tín phiếu ngân hàng Nhà nước (đã vượt con số 70.000 tỷ vào giữa tháng 5).
Nhiều chuyên gia có uy tín tham dự hội thảo đều đồng tình, với tình hình hiện nay, thì không gì hơn là phải tìm đầu ra cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tập trung các giải pháp giúp tăng tổng cầu. Cụ thể, cần sửa đổi quy định của ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay tiêu dùng. Bởi lẽ sản xuất và tiêu dùng là hai mặt của quá trình luân chuyển hàng hoá dịch vụ. Nếu chỉ khuyến khích cho vay sản xuất nhưng lại “khoá chặt” cho vay tiêu dùng, chặn đầu ra của sản xuất, thì không kích thích tiêu thụ sản phẩm, không thể giải quyết được nút thắt tồn kho và thanh khoản của nền kinh tế. Bên cạnh đó, kích thích sức mua bằng giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, hỗ trợ người có thu nhập thấp như nông dân.