Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông & Vận tải tìm nhà đầu tư PPP để mở rộng, tiến tới 8 làn hoàn chỉnh cho toàn bộ tuyến TP.HCM đến Cần Thơ.

Cuối phiên chất vấn sáng 6/11, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về việc có nên nghiên cứu đầu tư tiếp tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hay không, bởi tuyến cao tốc này hiện nay đang ách tắc và không có đường tránh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân.

Trả lời chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Giao thông & Vận tải tìm nhà đầu tư để lập dự án PPP mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường lên 6 làn hoàn chỉnh và 8 làn hoàn chỉnh cho toàn bộ tuyến từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, rộng 16 m, 4 làn xe, hoạt động chính thức từ cuối tháng 4.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí.

Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Lãnh đạo Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dẫn chứng trong lĩnh vực giao thông, cao tốc 2 làn xe, 4 làn hạn chế, không hoàn chỉnh, không có dải phân cách hay làn dừng khẩn cấp. Bây giờ nếu mở rộng đất đai để làm tiếp 2 làn thì rất tốn kém.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nếu làm cao tốc phải tính đến hoàn chỉnh ngay và chưa làm được thì giải phóng mặt bằng một lần. Sau đó mới phân kỳ thực hiện trước 2 làn, sau đó mở rộng lên 4 làn, không cần quản lý quỹ đất và giải phóng mặt bằng nữa, không phát sinh thêm chi phí”, ông Dũng nói.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.