Thị trường bất động sản “ảm đạm” khiến các nhà đầu tư thiệt thòi nhưng lại là cơ hội giá cả phải chăng cho những người có nhu cầu mua để ở. Vì vậy, nhiều người có thu nhập trung bình đang tìm cách vay mượn để có thể sở hữu được vài chục mét đất hoặc căn hộ chung cư diện tích nhỏ. Tuy nhiên, để tránh mua phải căn hộ bị treo “sổ đỏ”, hoặc khi ở mới phát hiện chất lượng căn hộ không như quảng cáo, hoặc các mức phí quản lý, dịch vụ không hợp lý… người dân cần tham khảo ý kiến luật sư và tìm hiểu kỹ về dự án cũng như chủ đầu tư trước khi quyết định đặt cọc mua.
Tìm hiểu chủ đầu tư, dự án
Luật sư Trương Văn Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, điều đầu tiên người mua nhà cần tìm hiểu là “nhân thân” của chủ đầu tư, xem nhà đầu tư đó đã có kinh nghiệm làm dự án chưa, việc kinh doanh có vi phạm pháp luật không, các dự án trước có được bàn giao đúng tiến độ không, năng lực tài chính như thế nào.
Bên cạnh đó, người mua cũng cần phải biết về “tính pháp lý” của dự án chung cư mình định mua như đất đã được chuyển mục đích sử dụng là đất ở hay chưa, đã được cấp “sổ đỏ” chưa, đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, được cấp phép xây dựng, được xây bao nhiêu tầng, là dự án do chính chủ đầu tư đó trúng thầu hay mua lại của Cty khác (dự án qua Cty thứ cấp)… Ngoài ra, người mua cần biết sự hợp pháp trong việc huy động vốn góp, về điều kiện huy động vốn góp… bởi nếu chủ đầu tư huy động sai quy định, gom tiền khi chưa xây xong phần móng thì hợp đồng mua bán có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu.
Biết được những thông tin này sẽ giúp người mua nhà tránh bị giao nhà chậm tiến độ do các chủ đầu tư “nhập nhèm” như xin phép 20 tầng nhưng xây 25 tầng khiến 5 tầng không phép bị treo “sổ đỏ”, đất được giao để xây khách sạn và khu vui chơi lại tự xây chung cư, tự ý chia nhỏ diện tích căn hộ hay phổ biến hơn là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Thông tin về căn hộ
Cách an toàn nhất, theo luật sư Hải là người mua tìm hiểu thông tin về dự án tại các Phòng địa chính quận, huyện, nên chọn những dự án đã hoàn thiện toàn phần hoặc một phần để mua và mua của những chủ đầu tư có năng lực, uy tín, đang làm những dự án có quản trị tốt. Về giá cả, đã qua cái thời “khan hiếm” nên người mua không nên mất tiền môi giới, mà có thể tìm mua trực tiếp của chủ đầu tư. Giảm giá là tín hiệu tốt, nhưng cũng cần “cảnh giác” với những dự án giá giảm đến 30% so với các công trình lân cận bởi rất có thể “của rẻ là của rởm”.
Khi quyết định mua, nhất thiết phải xem các căn hộ mẫu, bởi với đa số người dân không biết về xây dựng thì căn hộ dựa trên bản vẽ mặt bằng sẽ rất khó tưởng tượng. Hiện, cách tính diện tích căn hộ cũng là một trong những nội dung dễ gây tranh chấp vì có nhiều cách tính như tính từ tim tường, tính phủ bì, tính lọt lòng, tính cả cột, cả hộp gen... nên người mua cần biết rõ trước khi mua để nếu khi nhận căn hộ không đủ diện tích còn có cớ “bắt đền”.
Ngoài vấn đề giá cả, chất lượng, thì cần chú ý về vị trí dự án có nằm gần siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện hay không. Bên cạnh đó, phải đảm bảo các hệ thống liên lạc nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cửa thoát hiểm, khu vực thu gom rác hợp lý… và căn hộ có ít nhất một mặt nhà tiếp xúc với thiên nhiên, có ban công để thông thoáng.
Đặc biệt, luật sư Hải lưu ý người dân cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý của dự án như thời gian khởi công, thời gian hoàn công, tiến độ thanh toán, các điều khoản thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng chính, cũng như phụ lục hợp đồng. Nhất thiết phải “chốt giá” cụ thể, và chú ý không thỏa thuận giá nhà theo USD nếu mua của chủ đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài vì điều này vi phạm qui định về quản lý ngoại hối của Nhà nước. Thông thường, từ khi khởi công đến khi làm xong móng chủ đầu tư sẽ thu 20% giá trị căn hộ. Số tiền phải nộp có thể chia làm nhiều đợt, nhưng thường khi nhận nhà phần thô mới nộp đến 70%, và còn lại 30% khi nhận nhà mới trả nốt.
Trong các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng theo tiến độ dự án, nhưng nghĩa vụ của chủ đầu tư về bàn giao căn hộ lại rất “chung chung”. Thường nếu chậm đóng tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng, khách hàng có thể phải chịu phạt nhưng lại không rõ nếu chủ đầu tư chậm bàn giao nhà thì khoản lãi phạt cũng như thời gian trả lãi được khống chế là bao lâu… Vì vậy, để tránh tình trạng bị chủ đầu tư “mượn” vốn để kinh doanh vào việc khác, người mua cần thỏa thuận cụ thể thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, chế tài nếu vi phạm.
-
Bất động sản: Giảm giá thế nào cho đủ?
Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì để tự cứu mình, các doanh nghiệp BĐS đã và đang tung ra những chiêu như giảm giá, chẻ nhỏ căn hộ, liên kết với ngân hàng để giảm lãi suất...
-
Cứu bất động sản: Lối thoát cho người nghèo có nhà
Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ XD với các DN ngành XD – bất động sản (BĐS) khu vực Hà Nội diễn ra chiều 25.10, một trong những chủ trương gây sốc là chuyển đổi chung cư “ế”, những dự án nhà ở thương mại kém hiệu quả sang nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
-
Thị trường bất động sản chưa có tín hiệu thoát “đường hầm“
Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình hình kinh tế như hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ vẫn tiếp tục khó khăn trong suốt năm 2013. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường ngày càng giảm sút.