Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ XD với các DN ngành XD – bất động sản (BĐS) khu vực Hà Nội diễn ra chiều 25.10, một trong những chủ trương gây sốc là chuyển đổi chung cư “ế”, những dự án nhà ở thương mại kém hiệu quả sang nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Chuyển đổi chung cư “ế” thành nhà ở xã hội

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng không hề giấu giếm quyết tâm này. Theo Bộ trưởng, thị trường BĐS là xương sống của nền kinh tế, đầu tàu kéo nhiều ngành khác phát triển như: VLXD, điện, tài chính... Tuy nhiên, hiện nay BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhất.

Từ tháng 4.2011 trở về trước, chỗ nào cũng thấy BĐS, chủ yếu là đầu cơ, trung gian, mua đi bán lại kiếm lời. Điều này tạo ra thị trường ảo. Số lượng nhà đầu tư trung gian quá lớn, khiến chúng ta ngộ nhận thị trường phát triển mạnh.

Những hạn chế của thị trường BĐS lộ rõ khi kinh tế khó khăn, các van tín dụng đóng lại, thị trường mất cân bằng; người đầu cơ không đủ năng lực, các phân khúc BĐS lại không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

“Nguyên nhân đẩy thị trường ra ngày hôm nay còn do những người tạo dựng BĐS mới chỉ quan tâm đến những người giàu, trung lưu, nên chủ yếu xây căn hộ trung, cao cấp, trong khi nhu cầu của người dân về những căn hộ bình dân rất lớn. Nghịch lý thị trường thừa cung nhưng cầu về nhà ở thu nhập thấp lớn nhưng người dân lại không thể mua được là một lỗi lớn không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát các dự án và với từng dự án sẽ đưa ra cách giải quyết cụ thể, tránh lãng phí. Những dự án chưa GPMB và không phải là các chương trình bức thiết thì có thể dừng lại, không GPMB nữa để không ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Với những dự án GPMB rồi nhưng chưa san nền nếu là dự án nhà ở BĐS thì dừng lại. Nhưng đất dự án không được phép bỏ hoang mà có thể cho DN tạm thời chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng, hoặc các dịch vụ được địa phương ủng hộ. Quan điểm của ông Dũng không nhất thiết phải thu hồi nhưng đất đó phải tạm thời chuyển sang mục đích khác, không được bỏ hoang.

“Với những dự án đã làm hạ tầng rồi thì điều chỉnh dự án, tăng tỉ lệ nhà ở xã hội lên trên 20%; điều chỉnh dự án từ căn hộ cao cấp sang dự án nhà ở xã hội cho người làm công ăn lương không có khả năng mua nhà vì giá quá cao. Làm như vậy không chỉ cứu DN mà còn giúp người dân có nhà, cứu nền kinh tế. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thật nhanh để DN điều chỉnh dự án. TPHCM đã làm rất quyết liệt việc này” - Bộ trưởng Dũng nói.

Người nghèo có nhà, DN đỡ khó

Với những dự án đã có căn hộ rồi nhưng “ế” vì giá cao, diện tích lớn thì xem xét điều chỉnh thu nhỏ diện tích căn hộ để người dân mua được. Theo Bộ trưởng, thị trường BĐS đang đóng băng, các DN đang phải sống dở chết dở vì xây nhà không bán được. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà vẫn rất lớn, nhưng họ không đủ tiền để mua một căn hộ thương mại diện tích lớn. Vậy thì tại sao không cho phép các DN BĐS chuyển đổi mục đích xây dựng của mình?

Đây là một chủ trương đúng đắn. Bởi vì người nghèo sẽ có nhà, DN cũng tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc hiện tại. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN cũng có nghĩa là tháo gỡ khó khăn cho Nhà nước.

“Một khi tháo gỡ khó khăn cho Nhà nước thì người dân cũng được lợi. Ở đây, kể cả những người dân không mua nhà thì cũng được lợi vì nền kinh tế được tháo gỡ. Còn đối với những người dân có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ tiền sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Họ có cơ hội để sở hữu nhà hợp với túi tiền của mình. Tôi cho rằng, nếu làm tốt chủ trương này thì mục tiêu quan tâm đến người nghèo, người thu nhập thấp sẽ thành công. Đây là một việc làm đạt mục tiêu kép, lợi ích cho cả người nghèo có nhà, lợi ích cho cả DN trong việc tháo gỡ khó khăn. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, gắn với phát triển xã hội” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Bên cạnh những biện pháp quyết liệt trên, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, ngân hàng cũng cần mở van tín dụng không chỉ cho chủ đầu tư mà với cả người mua nhà, tạo điều kiện để các đối tượng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

“Ở thời điểm thị trường BĐS khó khăn như hiện nay, có chính sách dài hạn, nhưng cũng phải có chính sách trước mắt tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Chia nhỏ căn hộ chỉ là biện pháp chữa cháy vì số này không nhiều. Ở những nước giàu người ta vẫn có căn hộ diện tích 20m2 nhưng căn hộ thu nhập thấp của ta lên tới 40m2 thì cần phải xem xét lại để có chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho người dân có nhà. Thực tế hàng tồn kho chung cư ở TPHCM nhiều, còn ở Hà Nội chưa phải là vấn đề lớn. Chính vì vậy khi chủ trương của bộ đưa ra được các DN BĐS, đặc biệt là các DN ở TPHCM rất ủng hộ” - Bộ trưởng cho biết.

Ghi nhận các ý kiến DN BĐS khu vực phía bắc phát biểu tại cuộc đối thoại cho thấy tinh thần chung đều tỏ ra đồng tình với chủ trương quyết liệt “giải cứu” thị trường của Bộ Xây dựng.

“Hàng trăm DN mong được điều chỉnh dự án, nhưng để làm được điều này thành phố cần nhấc rào cản, Bộ Xây dựng cần có cơ chế chính sách để cơ sở hạ tầng không bị dồn nén, không phá vỡ dự án ban đầu” - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Đoàn Châu Phong

Theo Phạm Huệ (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.