Nhà ở giá thấp tại TP.HCM đang rất khan hiếm
Nhu cầu bức thiết
Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã chỉ ra một số “vướng mắc, bất cập” của Luật Nhà ở 2014.
Theo HoREA, nhu cầu thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp (giá phù hợp) rất lớn. Ước tính có đến khoảng 1,9 triệu người đang thuê nhà để ở.
Tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất có hơn 280.000 công nhân lao động, nhưng chỉ có khoảng 16% được thuê chỗ ở trong các khu nhà lưu trú công nhân và có khoảng 60% phải thuê phòng trọ, nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình, vừa chật hẹp, không có tiện ích, không có dịch vụ, không đảm bảo an toàn PCCC và dễ lây lan dịch bệnh như đã thấy trong cơn dịch Covid-19 hiện nay.
Cá biệt có doanh nghiệp rất lớn nằm ngoài khu công nghiệp như Công ty Pou Yuen có diện tích 110 ha với hơn 80.000 công nhân mà hơn 80% thuê nhà trọ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long Anh. Hàng ngày có hàng trăm xe đưa đón vừa phát sinh vấn đề đi lại, vừa phát sinh vấn đề về phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, TPHCM có khoảng nửa triệu sinh viên mà các khu ký túc xá chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho khoảng 25%, nên nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phòng trọ, nhà trọ của các đối tượng nêu trên rất lớn.
Qua kết quả điều tra dân số, nhà ở ngày 1.4.2019 thì TP.HCM có 2.558.914 hộ. Số hộ quy mô nhỏ dưới 4 người/hộ là 2.018.471 hộ chiếm 79% tổng số hộ (trong đó, hộ có 1-2 người là 822.178 hộ chiếm 32,1%) mà phần lớn các hộ này có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp (giá phù hợp).
Trong giai đoạn 2013-2016, Nhà nước thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm trong thời hạn vay 15 năm đối với căn hộ nhà ở xã hội và cả căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỉ đồng/căn.
Khi đó, trên thị trường bất động sản có loại sản phẩm “nhà ở thương mại giá thấp” có giá bán tương đương giá bán nhà ở xã hội, trong lúc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào, không được miễn, giảm tiền sử dụng đất, không được ưu đãi về thuế và lãi vay.
Cũng có thể các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp này đã chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí bán lỗ để vượt qua khó khăn trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng lúc bấy giờ.
Bảy đề xuất
Hiệp hội nhận thấy, khái niệm “nhà ở giá phù hợp” có nghĩa rất rộng và linh hoạt, như căn hộ nhà ở xã hội 25m2 có giá 500 triệu đồng với đơn giá 20 triệu đồng/m2 hoặc căn hộ nhà ở thương mại 25m2 đơn giá 30 triệu đồng/m2 có giá bán 750 triệu đồng là “nhà ở giá phù hợp” đối với người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp.
Trong lúc căn hộ cao cấp loại studio 25m2 đơn giá 60 triệu đồng/m2 có giá bán 1,5 tỉ đồng là “nhà ở giá phù hợp” đối với người có thu nhập cao.
Theo HoREA, phân khúc nhà ở thương mại giá thấp có mức giá không quá 25 triệu đồng/m2 do không có chính sách hỗ trợ, ưu đãi nên hiện nay gần như không có loại nhà này trên thị trường.
“Nếu có chính sách ưu đãi thì hoàn toàn có thể làm được nhà ở thương mại giá không quá 25 triệu đồng/m2 tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại I là thành phố trực thuộc Trung ương; không quá 23 triệu đồng/m2 đối với các đô thị loại I khác và không quá 20 triệu đồng/m2 đối với các đô thị còn lại”, văn bản của HoREA đề cập.
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét xây dựng bổ sung 7 cơ chế, chính sách hỗ trợ với mức ưu đãi bằng khoảng 25-50% chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang áp dụng cho nhà ở xã hội, để tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển “nhà ở thương mại giá thấp (nhà ở giá phù hợp)”, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và giảm bớt một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
HoREA đề nghị giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
Thứ hai là giảm 25% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (dự án nhà ở xã hội được giảm 50% thuế suất thuế GTGT và thuế TNDN).
Thứ ba là được vay ưu đãi với lãi suất khoảng 7,2-7,5%/năm trong 10-15 năm (bằng khoảng 1,5 lần lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.
Hiện nay, người mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất khoảng 4,8-5%/năm tối đa không quá 25 năm).
Thứ tư là người mua nhà ở thương mại giá thấp sau 5 năm được quyền bán, chuyển nhượng mà không phải nộp lại tiền sử dụng đất đã được hỗ trợ khi mua nhà.
Thứ năm là nhà đầu tư được ưu tiên tiếp cận quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở có giá hợp lý bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Ở đề xuất thứ sáu , HoREA đề nghị xây dựng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đơn giản, nhanh chóng đối với các dự án phát triển nhà ở có giá hợp lý.
Cuối dùng, theo HoREA, cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hưởng chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá hợp lý một lần.
-
Nhà ở cho người thu nhập thấp niềm hy vọng trong đại dịch
Đại dịch Covid – 19 như một tiếng nói đại diện cho phân khúc nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ gần như bị “lãng quên” suốt nhiều năm qua. Trong khi thị trường đang đầy rẫy những căn nhà có giá hàng thỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng thì nhóm nhà ở có nhu cầu thật rất lớn tại các đô thị lại có nguồn cung èo ọt.
-
Phú Mỹ Hưng thanh toán hơn 620 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2024
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) vừa công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2024.
-
Thực hư việc “thuyền trưởng” doanh nghiệp bất động sản top đầu tại TP.HCM rời ghế Chủ tịch
Novaland khẳng định việc ông Bùi Thành Nhơn vừa có đơn xin thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland là thông tin bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....