Ngay khi TP.HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, nhiều người trong dãy trọ của anh Bình (ngụ TP. Thủ Đức) đã tranh thủ trả phòng để về quê. Vợ chồng anh Bình đắn đo suy nghĩ mãi nhưng vẫn chưa thể đưa ra quyết định.
Nhiều người khó khăn về quê là do họ mất việc làm, không còn thu nhập và tích luỹ để tiếp tục ở lại thành phố. Nhưng vợ chồng gốc Đồng Tháp này thị khác. Anh chị không quá dư giả nhưng khoản tích luỹ giúp cả gia đình yên tâm về cơm áo trong mấy tháng dịch vừa qua. Công việc của hai vợ chồng vẫn được duy trì dù chấp nhận thu nhập giảm 50% so với trước.
Tuy nhiên, điều khiến cho anh Bình trăn trở nhất là chỗ ở. Cũng như nhiều công nhân khác, gia đình anh đang sống trong căn phòng trọ diện tích 15m2, có thêm gác nhỏ. Lúc trước thì không vấn đề gì nhưng nhiều tháng liền ở nhà phòng dịch cảm thấy quá ngột ngạt. Đứa con nhỏ lúc trước cả ngày đi học ở trường quen chạy nhảy nay bị “bó chân” trong căn phòng chật hẹp càng khó chịu.
Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp càng bức thiết hơn sau đại dịch
Sau nhiều năm lao động ở thành phố, ý tưởng mua một căn nhà đã nhen nhóm trong mơ ước của hai vợ chồng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, tìm đỏ mắt anh Bình vẫn không tìm được căn hộ nào có mức giá như anh chị mong muốn.
“Nếu có căn nhà nào tầm khoảng 700 triệu đồng đổ lại thì mình cũng ráng mua để có nơi ở ổn định. Tầm tiền này mới phù hợp cho những gia đình công nhân, người lao động thu nhập thấp ở thành phố”, anh Bình nói.
Câu chuyện của vợ chồng anh Bình cũng là nỗi niềm của rất nhiều gia đình có thu nhập thấp tại TP.HCM. Ước mơ có một căn nhà nhỏ với tầm giá phù hợp với thu nhập của họ đang trở nên quá “xa xỉ” trong khi thị trường đầy rẫy những căn nhà giá vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng.
Giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng trong những năm gần đây. Theo một báo cáo mới đây, tại TP.HCM bất chấp dịch bệnh, tính riêng trong quý 2/2021 giá bất động sản ghi nhận tăng từ 1,4-4% tùy từng loại hình so với quý 1 trước đó. Chung cư có mức tăng vào khoảng 2% trong khi nhà liền thổ nhiều khu vực tăng đến gần 4% so với thời điểm đầu năm.
Nếu như trước đây, nhà ở thu nhập thấp đã từng được nói đến rất nhiều nhưng chưa phát triển như kì vọng thì nay đại dịch Covid – 19 càng cho thấy rõ sự cần thiết cấp bách của phân khúc nhà ở này.
Dịch bệnh vừa qua khiến hàng triệu lượt người lao động ở TP.HCM đã buộc phải hồi hương. Một phần nguyên nhân lớn là do họ không chịu nổi không gian tù túng nhiều tháng liền trong các dãy trọ chật hẹp. Lao động về quê quá lớn khiến cho nhiều nhà máy, xí nghiệp đang đối diện nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi hoạt động trở lại.
Một dự án nhà ở xã hội đang xây dựng ở TP. Thủ Đức
Để giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, TP. HCM đang xây dựng hàng loạt kế hoạch để gia tăng số lượng nhà ở phân khúc này.
Cụ thể, trong kế hoạch phục hồi kinh tế của thành phố sắp tới có 11 kế hoạch thành phần, trong đó có phương án xây 1 triệu căn nhà cho công nhân và người thu nhập thấp.
Lãnh đạo thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở QH&KT và UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn.
Mới đây nhất, UBND quận 7 đã có công văn đề xuất UBND TP.HCM xem xét cho sử dụng tạm thời 8 khu đất trên địa bàn quận để xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn 3 năm.
Cụ thể, khu đất tọa lạc tại số 4 Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, gần 15.500m2, để trống từ năm 2002 đến nay. Khu đất số 9/5 Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, hơn 2.000m2. Khu đất thứ ba ở khu A thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố, phường Phú Thuận, khoảng 20.900m2 (một phần là đất trống, một phần là trường mầm non dân lập). Khu đất tại số 14 Đào Trí, phường Phú Thuận, hơn 11.700m2 - đang là đất trống dù được quận 7 chuẩn bị đầu tư dự án trạm trung chuyển rác, trạm xử lý nước thải. Một khu đất khác gần 21.000m2, vừa là đất trống vừa là nhà trệt với ao, còn gọi là khu đất vườn ươm Cầu Trắng, đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận…
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện nay đã có 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn. 278 dự án khác với quy mô khoảng 276.000 căn đang được triển khai. Trong đó, 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành, 100 dự án đang xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng vừa đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 30.000 tỷ để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...