Trong bản Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8/2014, VDSC dự báo những ngành đạt cao điểm kinh doanh trong những tháng cuối năm có thể là điểm đến tiếp theo của dòng tiền. Cụ thể, từ tháng 9, thị trường sẽ sôi động nhờ lực kéo của những ngành có sự thay đổi tích cực về kinh doanh. Trong đó nổi lên là các doanh nghiệp bất động sản và dệt may.
Đơn cử, do đặc thù kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, trong đó có cổ phiếu TCM (Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công), giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 thông thường là những tháng thấp điểm.
Từ tháng 9 cho đến quý I năm sau - khi nhu cầu mua sắm phục vụ các dịp lễ, Tết và xuất khẩu dệt may tăng mạnh mới là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may có sự bứt phá về doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế từ việc giá bông thế giới giảm sâu trong thời gian vừa qua và đang có xu hướng tiếp tục đi xuống trong những tháng cuối năm (giá bông kỳ hạn giao tháng 12/2014 trên thị trường Mỹ đã giảm 24%, giá trên thị trường Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã giảm sâu).
Theo đó, kết quả kinh doanh của cổ phiếu TCM và một số doanh nghiệp (DN) khác trong ngành dự báo sẽ có sự tăng tốc trong quý III và quý IV. Cụ thể, tình hình kinh doanh tháng 7 của TCM có những bước tiến đáng kể. Theo đó, doanh thu của TCM trong tháng 7 đạt hơn 216 tỷ đồng; LNST sau khi giảm mạnh trong tháng 6 do lỗ chênh lệch tỷ giá, đã tăng trở lại và đạt hơn 17 tỷ đồng.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy doanh thu của TCM vẫn duy trì ổn định ở mức tích cực từ tháng 5 trở lại đây. Tính chung 7 tháng đầu năm, Công ty đã đạt được 54% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch LNST của cả năm 2014.
Vậy nên, với mức giá hiện tại, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy thêm cổ phiếu ngành dệt may trong những thời điểm thị trường điều chỉnh mạnh nhằm đón đầu chu kỳ tăng giá vào quý IV.
Đối với lĩnh vực BĐS, quý III hằng năm trùng với mùa mưa bão và tháng 7 Âm lịch nên đây là giai đoạn thường không thuận lợi. Tuy nhiên, do quý IV lại thường là thời điểm các DN xây lắp đẩy nhanh tiến độ các công trình để quyết toán trước khi kết thúc năm tài chính nên kế hoạch kinh doanh quý này thường tăng trưởng mạnh hơn hẳn các quý trước.
Qua thực tế tại một số DN xây lắp lớn, VDSC cho biết, doanh thu cũng như giá trị hợp đồng ký tại thời điểm cuối quý II/2014 đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là những cơ sở tốt để các công ty xây lắp, đặc biệt là các DN đang hoạt động ổn định, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá trong các tháng cuối năm.
Tương tự, ngành vật liệu xây dựng cũng đã cho thấy sự hồi phục từng bước trong thời gian qua. Với đặc thù là ngành sản xuất có chi phí cố định, việc tăng trưởng sản lượng hứa hẹn sự cải thiện về hiệu quả kinh doanh của các DN trong ngành, đặc biệt là những DN có dây chuyền sản xuất tiên tiến và thị phần lớn...