Bộ GTVT gấp rút trình Thủ tướng đề án xây dựng hệ thống giám sát thu phí đường bộ để chống thất thu.
Thời gian qua, nhiều dự án BOT lĩnh vực đường bộ đã được đưa vào khai thác, góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống đường bộ hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, hiện nay các dự án BOT này đã và đang gặp phải một số khó khăn về kiểm soát doanh thu thu phí, xe quá tải, ảnh hưởng đến việc quản lý khai thác, bảo trì và tuổi thọ của các công trình BOT.
Đó là nhận định của Bộ GTVT trong văn bản gửi Chính phủ về tính cấp bách của việc thực hiện đề án tăng cường giám sát và công khai, minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ GTVT quản lý.
Trong đó, trọng tâm của đề án là xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ. Hệ thống này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, vận hành độc lập với các hệ thống quản lý, thu phí của các nhà đầu tư BOT.
Dữ liệu là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước đối chiếu với số liệu do các nhà đầu tư báo cáo. “Bằng những biện pháp trên nhà đầu tư sẽ hết đường gian dối...” - một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Trạm thu phí quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng vừa qua gây xôn xao dư luận về sự thiếu minh bạch thu phí. Ảnh: VIẾT LONG
Cũng trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ GTVT cho biết để thực hiện đề án này sẽ cần khoản kinh phí khoảng 12,5 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu (phần mềm, hệ thống kết nối, đào tạo, tư vấn...). Ngoài ra cần khoảng 4,2 tỉ đồng chi phí vận hành, duy trì hằng năm.
Bộ GTVT cho rằng có thể sử dụng kinh phí từ quỹ bảo trì đường bộ trung ương để đầu tư hệ thống nêu trên. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định.
Đánh giá về đề án này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, khẳng định đây là một đề án hay và cần triển khai nhanh. “Như hiện nay, chúng ta thấy các nhà đầu tư BOT đang tự tung tự tác, trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở pháp lý nào để giám sát thu phí.
Bằng chứng là vừa qua đoàn giám sát nào của Tổng cục Đường bộ đi giám sát các trạm BOT đều phát hiện doanh thu của các trạm BOT tăng bất ngờ. Tuy nhiên, một thực tế là cơ quan quản lý nhà nước thiếu công cụ giám sát độc lập để đưa ra những con số, bằng chứng “đấu” lại với nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo ông Thanh, việc giám sát trực tuyến sẽ là cơ sở để các cơ quan nhà nước kiểm soát doanh thu các trạm BOT nhằm điều chỉnh thời hạn thu phí. “Nếu lưu lượng xe qua trạm nhiều, mức thu tăng cao thì phải thu hẹp thời gian thu phí, không thể để như hiện nay được” - ông Thanh nói.
Trước mắt, Bộ GTVT cần nhanh chóng triển khai thu phí không dừng, vấn đề này không thể kéo dài thêm nữa. Bởi cách thu này sẽ phát huy được các lợi ích về kinh tế cho nhà đầu tư, các chủ phương tiện (không phải dừng lại trả tiền) và cả cơ quan quản lý đường bộ. Đặc biệt, phương pháp này sẽ công khai, minh bạch việc thu của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị vẫn liên tục trì hoãn và đưa các lý do như giá cả đắt, thủ tục triển khai trúc trắc, liên thông giữa các ngân hàng không được… vì không muốn minh bạch. Tôi nghĩ Bộ GTVT cần phải quyết liệt vấn đề này, nếu đơn vị nào đến hạn không triển khai thì dừng thu phí. Phải có chế tài ông đầu tư mới sợ, chứ để vậy ông cứ trì hoãn mãi với trăm thứ lý do.
Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam
Viết Long (Pháp luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.