09/11/2019 8:07 AM
Theo chuyên gia, chọn ai cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là quyền của Bộ GTVT, vấn đề là thiếu cơ chế, thiếu cương quyết để thực hiện.

Công ty TNHH thu phí tự động VETC, đơn vị được Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, vừa đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án này để tiếp tục triển khai.

Hoặc Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019 trong trường hợp những tồn tài và khó khăn nêu trên không được giải quyết.

Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Theo VETC, sau 5 năm triển khai dự án thu phí tự động không dừng, hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không thực hiện đúng tiến độ dự án. Cụ thể đến nay mới có 11/44 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng dịch vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về chủ trương trích doanh thu phí.

Nhiều câu hỏi đã được dư luận đặt ra trong những ngày qua khi nghe thông tin trên: Tại sao một chủ trương đúng lại khó triển khai như vậy? Việc trì hoãn thu phí tự động không dừng liệu có xuất phát từ lợi ích kinh tế của chủ đầu tư BOT hay lợi ích nhóm nào đó?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, vấn đề không hẳn nằm ở chủ đầu tư BOT, cũng không phải do sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Theo đó, Chính phủ đã giao quyền cho Bộ GTVT, việc lựa chọn đơn vị nào cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là quyền của Bộ GTVT.

Các trạm BOT trì hoãn kéo dài thực hiện việc thu phí không dừng. Ảnh minh họa

"Tại sao cùng một loại thẻ mà Bộ GTVT chỉ chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ, không phân cho nhiều đơn vị khác để cùng cạnh tranh? Việc này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ muốn thống nhất trong cả nước một loại thẻ thì chỉ chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ mà thôi, trừ trường hợp trong sự lựa chọn đó điều bất hợp lý, không có sự chia sẻ hay xảy ra vấn đề về kỹ thuật...

Chọn thống nhất trong cả nước như vậy người dân càng mừng bởi một loại thẻ từ thì đỡ lộn xộn. Còn quyền lợi đơn vị làm thẻ từ, cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng... thế nào, nội bộ Bộ GTVT phải giải quyết với nguyên tắc phải lấy lợi ích của người dân làm đầu", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Cũng chính bởi đây là sự lựa chọn, là quyền của Bộ GTVT nên vị chuyên gia đặt câu hỏi: Vì sao lại chưa thể thực hiện được thu phí tự động không dừng trên toàn quốc? Và ông tự trả lời: Bộ ký hợp đồng với VETC nhưng lại không tác động quyền quản lý nhà nước của mình khiến việc triển khai thực hiện trở nên khó khăn.

"Nói thẳng ra đây là cách làm nửa vời, được chăng hay chớ. Lẽ ra khi triển khai dự án, Bộ phải buộc nhà đầu tư BOT thực hiện, nếu không sẽ chấm dứt việc thu phí. Đối với người dân, các doanh nghiệp vận tải thì đưa ra một thời hạn nhất định, có thể lộ trình 2-3 tháng, phải dán etag, nếu không sẽ có biện pháp xử phạt.

Bên cạnh đó, có thể nghiệp vụ đơn vị, cán bộ được Bộ GTVT giao nhiệm vụ giám sát, đốc thúc việc này kém, thiếu cương quyết, thiếu tinh thần trách nhiệm. Và cuối cùng, sự chậm trễ triển khai thu phí tự động không dừng có thể là do có chủ ý.

Bộ giao cho một đơn vị làm nhưng không nhắc nhở, giám sát; không có thời hạn, quy trách nhiệm rõ ràng, không có chế tài răn đe để cuối cùng họ muốn làm lúc nào thì làm, làm đến đâu lại báo cáo khó khăn đến đó, chủ đầu tư BOT làm hay không làm là quyền của họ...

Điều ấy rất lạ, Bộ GTVT đã được giao quyền, người dân cũng mong muốn triển khai, ở đây chủ yếu là quản lý, chỉ đạo kém: giao cho người thiếu có trách nhiệm, có chủ ý, muốn kéo dài tình trạng thu phí thủ công", TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Từ đây, ông khẳng định, Bộ GTVT có thừa cách để buộc nhà đầu tư thực hiện thu phí tự động không dừng, vấn đề là lợi ích thu phí tự động không dừng là lợi ích cho người dân nhưng chưa hẳn đã cùng chiều, cùng mong muốn của lợi ích nhóm.

Theo chỉ đạo, đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ phải lắp đặt thu phí tự động không dừng, song TS Nguyễn Xuân Thủy không tin rằng có thể triển khai kịp. Câu hỏi được ông đặt ra là: Khi dự án không thành công, sự không thành công ấy ai phải chịu trách nhiệm?

"Nếu có một chế tài rõ ràng: không thực hiện được dự án thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, bị xử lý như mất chức thì tôi tin rằng tất cả sẽ thực hiện răm rắp. Nhưng thực tế có làm được như vậy không, hay chỉ giơ cao đánh khẽ và có cái gì không lành mạnh trong đó?", vị chuyên gia giao thông trăn trở.

Cùng chia sẻ quan điểm về việc chậm trễ triển khai thu phí tự động không dừng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ trên chính là do mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và quản lý nhà nước, chứ không phải sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ.

"Độc quyền ở đây phải hiểu theo ý khác. Dù là độc quyền nhưng chắc chắn Nhà nước phải chỉ định hoặc chọn thầu, phải có sự cân nhắc của Bộ GTVT chứ không phải quyết định một cách mơ hồ. Nếu độc quyền mà đơn vị được chọn có năng lực, uy tín, dịch vụ chất lượng thì không có vấn đề gì cả", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Để giải quyết sự chậm trễ trong triển khai thu thu phí tự động không dừng, theo ông Thám, người cầm trịch ở đây là Bộ GTVT. Nhà nước đã quyết và giao quyền cho Bộ GTVT, Bộ chỉ đạo cấp dưới thực hiện, nếu không thì phải có biện pháp bắt buộc phải thực hiện.

"Chủ đầu tư BOT không đồng ý lắp đặt thu phí tự động không dừng thì phải nêu lý do, lý do chính đáng thì Bộ xem xét điều chỉnh; nếu không chính đáng thì chủ đầu tư BOT buộc phải tuân theo, không thì Bộ GTVT sẽ phải cưỡng chế và có biện pháp xử phạt. Đó là nguyên tắc hành chính", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.

Thành Luân (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.