26/11/2022 3:24 PM
Mặc dù các doanh nghiệp xi măng liên tục đưa ra nhiều ưu đãi, chiết khấu lớn nhưng do thị trường bất động sản trì trệ, xuất khẩu suy yếu, tiêu thụ vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải.

Dư cung ở quy mô lớn

Theo báo cáo tổng quan ngành xi măng Việt Nam, cả nước hiện có 57 nhà máy xi măng với 90 dây chuyền sản xuất đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 107 triệu tấn/năm. Sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) Nguyễn Quang Cung cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, điều chỉnh tỷ lệ phụ gia, có thể sản xuất thêm hơn 20 triệu tấn nữa, như vậy mỗi năm có thể sản xuất khoảng 130 triệu tấn xi măng.

Thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây áp lực mạnh lên sản lượng tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp ngành này

Dù nguồn cung xi măng đang dư thừa, nhưng nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, công suất nhiều nhà máy cũng được nâng lên đáng kể, trước nhiều nhà máy có công suất từ 300.000-1 triệu tấn/năm thì nay đã nâng công suất lên 3-4 triệu tấn/năm.

Riêng trong năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao do trong kế hoạch sẽ có thêm 4 dự án lớn đi vào hoạt động với công suất khoảng 11 triệu tấn. Đáng chú ý, 4 dây chuyền mới được đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa, hai tỉnh có công suất thiết kế lớn nhất Việt Nam, qua đó càng làm tăng cạnh tranh tại khu vực miền Bắc.

Theo số liệu thống kê của VNCA, tháng 10.2022, toàn ngành sản xuất đạt 6,32 triệu tấn, tăng nhẹ so với tháng trước. Trong khi đó, tiêu thụ vẫn đang là bài toán chưa có lời giải của nhiều doanh nghiệp khi sản lượng bán hàng nội địa trong giai đoạn này chỉ ở mức 5,38 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến hết tháng 10, sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước khoảng 51,91 triệu tấn. Được biết, hơn 55% sản lượng tiêu thụ xi măng ở trong nước phụ thuộc vào ngành bất động sản. Việc thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây áp lực mạnh lên sản lượng tiêu thụ xi măng của toàn ngành xi măng.

Thị trường nội địa những năm gần đây chỉ hấp thụ được gần 60% sản lượng của ngành xi măng, trên 40% sản lượng còn lại đều phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu lại giảm mạnh từ đầu năm tới nay đã tác động ngay đến sản lượng của các doanh nghiệp trong ngành này.

Mặc dù xi măng đều đưa ra chiến lược tiêu thụ của riêng mình nhưng tiêu thụ sản phẩm xi măng tiếp tục khó khăn, cạnh tranh trên thị trường xi măng ngày càng khốc liệt

Sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu với gần 46 triệu tấn, những tháng gần đây, xuất khẩu xi măng đã sụt giảm mạnh do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính clinker, thực thi chính sách Zero Covid. Trong khi đó, thị trường lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao.

Cụ thể, xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 10 đạt 2,1 triệu tấn, với trị giá 93,8 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021. Sau 10 tháng, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 26,4 triệu tấn, kém xa lượng xuất khẩu của năm ngoái.

Xu hướng xuất khẩu giảm khiến các nhà sản xuất xi măng trong nước rất lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sản xuất clinker tăng rất mạnh. Lượng hàng tồn kho trong cả nước hiện xấp xỉ 6 triệu tấn nguyên liệu, chủ yếu là clinker. Bình thường, nếu tiêu thụ thuận lợi hơn, tồn kho chỉ ở mức 15-20 ngày sản xuất.

Lời giải nào cho bài toán tiêu thụ?

Cung - cầu xi măng nhiều năm nay luôn trong trạng thái mất cân bằng, trạng thái dư cung luôn ở ngưỡng vài chục triệu tấn. Thời gian qua, các doanh nghiệp xi măng trong nước đang tìm mọi giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng bán hàng rất vất vả.

Trong tháng 10, hầu như không có điều chỉnh giá bán xi măng. Hiện giá mặt hàng tiếp tục neo cao ở ngưỡng 1,6 - 1,7 triệu đồng/tấn, duy trì mức tăng giá 400.000 - 500.000 đồng/tấn từ đầu tháng 5 đến nay vẫn chưa giảm.

Do đó, để thúc đẩy bán hàng, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều chính sách, chiết khấu thương mại, thậm chí các nhà máy phải có cơ chế ưu đãi riêng, hỗ trợ ngầm cho các nhà phân phối để xả tồn kho, duy trì sản xuất.

Mặc dù xi măng đều đưa ra chiến lược tiêu thụ của riêng mình nhưng tiêu thụ sản phẩm xi măng tiếp tục khó khăn, cạnh tranh trên thị trường xi măng ngày càng khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp xi măng phải tìm hướng thoát riêng…

Ngay cả với Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), gồm nhiều đơn vị thành viên cùng nhiều nhà máy từ Bắc vào Nam thì tiêu thụ vẫn luôn là vấn đề khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp này đau đầu.

Trên thực tế, tại địa bàn phía nam, nơi được đánh giá tiêu thụ dễ thở nhất bởi mật độ các nhà máy xi măng không cao nhưng tình hình bán hàng của Xi măng Hà Tiên vẫn ở mức thấp. Mặc dù doanh nghiệp này đã đưa ra chiến lược bán hàng riêng, nâng cao các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan.

Trước áp lực tồn kho tăng do chậm tiêu thụ, có thể sắp tới, một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn cả mức tăng đợt trước. Nếu tình huống này xảy ra, thị trường xi măng trong nước có thể bước vào đợt cạnh tranh tiêu thụ bằng chiêu thức phá giá để giải phóng hàng tồn.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.