Chi phí đầu vào tăng cao buộc doanh nghiệp xi măng phải tăng giá bán. Nhưng điều này rất khó trong tình hình sức tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản suy yếu.

Năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều trở ngại trong sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ.

Trong báo báo mới đây, Chứng khoán VCBS cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp chịu áp lực giảm do thị trường xuất khẩu suy yếu và chi phí đầu vào tăng cao.

Doanh nghiệp chật vật bán hàng

Bế tắc vì giá than được xem là tình cảnh chung của ngành sản xuất xi măng hiện nay. Được biết, mức giá than nội địa trước đây chỉ rơi vào khoảng 1,8 triệu đồng/tấn nhưng hiện tăng lên 4 triệu đồng/tấn, trong khi giá than nhập khẩu tăng lên gần 5 triệu đồng/tấn.

Nhiều doanh nghiệp xi măng chật vật tiêu thụ sản phẩm do giá bán tăng cao

Với Xi măng Hà Tiên (Mã: HT1), giá than neo cao trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung thiếu hụt gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của công ty.

Doanh nghiệp này cho biết, hiện nay công ty đang nhập than bởi các doanh nghiệp phân phối trong nước, tuy nhiên tại nhiều thời điểm xảy ra tình trạng thiếu hàng để sản xuất.

Với việc nhu cầu tiêu thụ xi măng thời gian tới được dự báo không tích cực và tình hình cạnh tranh trong nước gia tăng mạnh do tình hình xuất khẩu kém thuận lợi, Xi măng Hà Tiên không có ý định tăng giá bán vì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá bán từ đầu năm, với biên độ tăng cả 3 lần từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu.

Tuy nhiên, mức tăng giá này chưa thể giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn, buộc doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Bên cạnh chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp xi măng cũng khá chật vật với tiêu thụ trong tình hình ngành xi măng dư cung.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành xi măng là 107 triệu tấn/năm, trong khi tiêu thụ nội địa 3-4 năm nay chỉ khoảng trên dưới 60 triệu tấn/năm.

Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, trong tháng 9, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Con số này giảm khoảng 1,26 triệu tấn so với tháng trước đó và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Sau 9 tháng, cả nước đã tiêu thụ gần 73 triệu tấn xi măng, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tồn kho của các doanh nghiệp ở mức gần 6 triệu tấn, tương đương khoảng 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.

Xi măng Hà Tiên không có ý định tăng giá bán vì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh

Riêng với Xi măng Hà Tiên, lượng tiêu thụ xi măng trong quý 3.2022 đạt 1.7 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ đạt 5 triệu tấn, tăng 14% so với năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao từ mức nền thấp của năm 2021.

Hiện nay, Xi măng Hà Tiên tập trung chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia với mức sản lượng khiêm tốn (2% tổng tiêu thụ) và chưa có kế hoạch đẩy mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng không có kế hoạch xuất khẩu sang Trung Quốc hay đẩy mạnh thị trường miền Bắc vì thiếu lợi thế về địa lý so với các doanh nghiệp khác.

Các chuyên gia nhận định, hiện áp lực tiêu thụ ngành xi măng đang tập trung vào thị trường trong nước do xuất khẩu những tháng vừa qua giảm đáng kể.

Dự báo từ nay đến hết năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi thị trường lớn nhất của ngành xi măng là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid, sẽ giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam.

Vẫn còn khó khăn trong ngắn hạn

Chi phí sản xuất tăng, “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp xi măng đã yếu đi nhiều, do sản lượng tiêu thụ giảm và chi phí sản xuất tăng cao.

Theo đó, khó khăn, đối diện thua lỗ và dừng sản xuất là tình trạng của một bộ phận nhà máy xi măng lúc này, nhất là với những dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu.

Là thương hiệu xi măng có tiếng trong hệ thống Vicem, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 6.603 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Kết quả doanh thu tăng trưởng tích cực đến từ sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ mức nền thấp của năm 2021 khi ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại cho thấy con số kém khả quan khi giá than sản xuất đầu vào tăng mạnh. Cụ thể, lợi nhuận trong giai đoạn này chỉ ở mức gần 204 tỉ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù đã điều chỉnh giá bán tăng 10% so với đầu năm, nhưng do giá than tăng 80-100% đã làm ảnh hưởng nặng nề tới biên lợi nhuận của Xi măng Hà Tiên.

VCBS cho biết, Xi măng Hà Tiên đang trong giai đoạn khá khó khăn trong ngắn hạn và chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Hiện nay công suất thiết kế của Xi măng Hà Tiên vào khoảng 7,5-8 triệu tấn, do đánh giá tình hình tiêu thụ trong năm tới bất định nên doanh nghiệp này đã hoãn kế hoạch mở rộng công suất trong năm nay.

Mặc khác, theo tính toán thì công suất đầu tư trong thời điểm hiện tại sẽ bị cao hơn rất nhiều do chi phí giá cả neo cao nên sẽ kém hiệu quả.

VCBS cho rằng, kết quả kinh doanh trong các quý tới của các doanh nghiệp xi măng sẽ tiếp tục kém khả quan khi giá đầu vào vẫn neo cao. Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 của Xi măng Hà Tiên đạt 8.775 tỉ đồng, tăng 24% và lợi nhuận sau thuế ở mức 259 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh kỳ vọng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi tình hình tiêu thụ xi măng có biến chuyển tốt hơn nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và giá than được điều chỉnh.

Theo đó, VCBS dự báo doanh thu thuần năm 2023 của Xi măng Hà Tiên ở mức 8.720 ti đồng, giảm 1% so với cùng kỳ khi sản lượng tiêu thụ tăng trưởng nhẹ và giá bán chịu áp lực giảm giá. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng mạnh 67%, đạt 433 tỉ đồng nhờ giá than điều chỉnh giảm.

Chủ đề: Doanh nghiệp xi măng,
  • Sau 3 lần tăng giá, doanh nghiệp xi măng làm ăn ra sao?

    Sau 3 lần tăng giá, doanh nghiệp xi măng làm ăn ra sao?

    Sau nhiều lần điều chỉnh giá bán do áp lực giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp xi măng vẫn “ăn nên làm ra” bất chấp sự suy yếu của thị trường bất động sản và kênh xuất khẩu.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.