26/07/2017 8:18 AM
Nằm dọc theo tỉnh lộ 864 và dọc bờ sông Tiền, Khu Công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An được hình thành trên dưới 20 năm, nơi đây có 27 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thu hút hơn 18.000 lao động. Thế nhưng, quỹ đất dành cho nhà ở công nhân, người lao động chưa có.
Theo thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện nay, công nhân đang làm việc trong KCN phải thuê nhà với giá trung bình từ 700.000 – 1.000.000 đồng/tháng với diện tích phòng khoảng 16-20m2, có gác lửng khoảng 12m2, nhưng giá thuê hiện nay cao nên công nhân đã cùng nhau khoảng 4-5 người ở chung phòng để giảm bớt chi phí.
Bên cạnh đó, chi phí để nuôi con nhỏ và các khoản chi phí khác luôn tăng giá nên đời sống còn khó khăn. Đa số công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đi làm xa nhà nên có nhu cầu về nhà ở giá thấp, đảm bảo an ninh trật tự.
Trước nhu cầu bức bách về chỗ ở, một số công ty cũng đã tự bỏ tiền ra xây dựng khu nhà ở, phòng trọ cho người lao động, cụ thể: Công ty Hùng Vương xây 1 bock căn hộ 4 tầng trên diện tích 500m2.
Khu nhà ở của Công ty Hùng Vương. Theo thông tin cung cấp, khu nhà này chỉ dành cho cán bộ của công ty, từ cấp phó, trưởng phòng trở lên.
Công ty Gò Đàng xây dựng 164 phòng trên diện tích 4.600m2, mỗi phòng từ 12-15m2, có khoảng 500 công nhân thuê.
Phòng thuê chật hẹp của công nhân Công ty G.Đ, nơi đây chỗ ăn làm chỗ ngủ và cũng là nơi tiếp khách.
Với hai doanh nghiệp này, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ như không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Riêng Công ty Thuận Phong mua đất nền từ dự án khu dân cư Mỹ Thạnh Hưng, phường 6, TP Mỹ Tho để xây dựng 15 căn nhà, diện tích 5mx14/căn, cao 3 tầng, trị giá 1 tỷ/căn để cấp cho cán bộ công ty trả góp 2 triệu/tháng.
Năm 2013, Công ty Thuận Phong có đề nghị mua lại 2ha đất của tỉnh để xây dựng khu nhà ở cho cả ngàn công nhân, nhưng tỉnh không đồng ý. Đến năm 2016, Công ty Thuận Phong tiếp tục đề nghị xin thuê hoặc mua 2ha đất để xây dựng nhà ở miễn phí cho hơn 1.900 công nhân nhưng tỉnh cũng chưa giải quyết.
Những căn nhà Công ty Thuận Phong dành cho cán bộ, quản lý của công ty, nếu trả góp 2 triệu/tháng cho 1 tỷ đồng thì giống như cho không.
Trao đổi với phóng viên, Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận xét: Hiện nay một số doanh nghiệp họ tự đầu tư cho công nhân doanh nghiệp mình, chủ yếu họ chỉ giải quyết cho số quản lý và một số công nhân ở những vị trí quan trọng. Số công nhân bình thường còn lại thì nhu cầu rất lớn.
Riêng đề nghị của Công ty Thuận Phong xin thuê gần 2ha đất để xây nhà ở miễn phí cho công nhân, tỉnh chỉ đồng ý giao tối đa là 1,1 ha. Phía Công ty Thuận Phong chưa nhận vì cho rằng không đủ đất để thực hiện dự án.
Đối với dự án nhà ở xã hội, theo ông Lê Đình Nguyên – Trưởng phòng Quản lý nhà - Sở Xây dựng Tiền Giang : Trên địa bàn TP Mỹ Tho chỉ có dự án Chung cư Mỹ Lợi dành cho người thu nhập thấp, thi công từ 2009 đến nay chủ đầu tư mới hoàn thiện được khoảng 70% phần thô rồi ngưng. Hiện nay đã có xin chuyển giao toàn bộ dự án cho nhà đầu tư khác.
Dự án chung cư Mỹ Lợi khởi côngngày 24/4/2009, xây được 70% phần thô dến tháng 4/2011 thì ngưng, và bỏ hoang đến nay.
Ông Nguyên cho biết thêm: Tỉnh đã có chương trình phát triển nhà ở cho công nhân đến năm 2020 định hướng 2030 được phê duyệt. Căn cứ theo chương trình đó thì tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện từ 2016-2020, trong đó nhà ở nhà ở xã hội có toàn bộ 10 đối tượng, nêu trong kế hoạch thì có, còn quy hoạch vị trí quỹ đất thì chưa !
Trao đổi với phóng viên, ông Phó Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cho biết: TP Mỹ Tho bây giờ đất rất là hiếm, hiện có khu đất khoảng 18 hecta mà trước đó tỉnh phải đàm phán với Bộ quốc phòng yêu cầu để lại cho tỉnh, thật ra là mua lại khu đất là 17ha, khoảng 80 tỷ, đã dành xây trường chuyên cho tỉnh 3ha, và dành 3,1ha cho nhà ở xã hội.
Nói chung nhu cầu nhà ở công nhân của tỉnh là rất lớn. Tính hết công nhân trên địa bàn tỉnh khoảng 80 ngàn. Đông nhất là Tân Hương hơn 50 ngàn. Tỉnh cũng có xây dựng chương trình đề án phát triển nhà ở xã hội của Tỉnh đến 2020. Trong đó đầu tư cho nhà ở xã hội cũng khá lớn, tất nhiên là ngân sách nhà nước không thể làm hết được, phải kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia. Mỗi doanh nghiệp tự đầu tư để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân của đơn vị mình thì việc làm đó rất là tốt, tỉnh rất ủng hộ chỉ có cái là quỹ đất hạn chế trong khi rất nhiều doanh nghiệp.
Điều bất hợp lý là: Tỉnh kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở xã hội, thế nhưng, tỉnh lại “kêu” thiếu, hoặc chưa có quỹ đất.
Điển hình trên địa bàn TP Mỹ Tho, gần đây mới chỉ có 02 nhà đầu tư là Công ty Thuận Phong xin cho thuê 02 ha để xây dựng nhà miễn phí cho hơn 1.900 công nhân và Liên Đoàn LĐVN đề nghị giao đất 2ha, sau đó thì đề nghị giao 03ha để xây các thiết chế Công đoàn, thì đã thiếu đất.
Như vậy, trước nhu cầu còn rất lớn về nhà ở công nhân, việc kêu gọi các nhà đầu tư mà không có đủ quỹ đất, chẳng khác nào “đánh trống, bỏ dùi”.
Trên thực tế, phóng viên ghi nhận trên khu đất 18ha, tỉnh phê duyệt dự án Khu dân cư Trung An, trong đó ưu tiên diện tích lớn dành cho nhà ở thương mại, dịch vụ tổng hợp. Sát bên dự án này, dự án “đường Lê Văn Phẩm và khu nhà ở thương mại” tỉnh đã giao cho Công ty TICCO thực hiện hạ tầng, sau đó phân lô, bán nền, và dĩ nhiên, không có đất dành cho nhà ở xã hội.
Chỉ thị 03/CT- TTg (Chỉ thị 03) ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa chủ động dành đủ quỹ đất và còn ít cơ chế khuyến khích hỗ trợ xây dựng và chưa chọn được doanh nghiệp tiêu biểu để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.
Thậm chí còn hiện tượng một số địa phương chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không chú ý triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”.
Dự án đường Lê Văn Phẩm và Nhà ở thương mại sát bên Khu công nghiệp Mỹ Tho – Cụm Công Nghiệp Trung An đã được chia lô, bán nền và không có quỹ đất dành cho nhà ở xã hội do tỉnh phê duyệt diện tích đất ở của dự án dưới 10ha.
Trước tình hình trên, Thủ tướng chỉ thị: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội” và “Các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân…”.
Khu đất còn trống hơn 14ha, tỉnh ưu tiên cho dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, trong khi quỹ đẫt dành cho nhà ở xã hội thì luôn kêu thiếu.
Chỉ thị còn nêu rõ: Nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là của nhà nước, xã hội và người dân, vì vậy yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho CN tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, CN lao động...được thuê, mua nhà cải thiện chỗ ở.
Việc UBND tỉnh Tiền Giang có thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay vẫn đang chú trọng phát triển nhà ở thương mại? Có thật sự đẩy mạnh, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đảm bảo có đủ quỹ đất, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính nhằm huy động các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho giai cấp cho công nhân, người lao động? Đây là những câu hỏi mà dư luận đang quan tâm, và với trách nhiệm của người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh cần phải trả lời thỏa đáng.
Được biết, ngày 15/5/2017 ông Phạm Văn Tứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phong đã viết “Tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ, trình bày nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây nhà ở miễn phí cho công nhân.
Cùng ngày 15/5/2017, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn số 2109/UBND-ĐTXD gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo một số vấn đề liên quan đến Công ty Thuận Phong qua phản ánh của báo chí.
Công văn “hỏa tốc” số 7663/VPCP-CN của Văn Phòng Chính Phủ.
Ngày 21/7/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn “hỏa tốc” số 7663/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND cấp tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để phát triển nhà ở xã hội, đồng thời xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Thuận Phong theo thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội theo theo quy định pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan.
Tr.Duy – Ng.Hiếu – H.Thịnh (Pháp luật plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.