08/10/2023 10:42 AM
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề nghị Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong khu công nghiệp và đề nghị cho công nhân, lao động đang thuê nhà ở xã hội trong khu công nghiệp được mua lại nhà ở này khi chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Lao Động

Dẫn quy định tại Nghị định 35/2022, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, Chính phủ đã cho phép các khu công nghiệp được chuyển đổi sang khu đô thị - dịch vụ, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị cho phép công nhân, người lao động được mua nhà ở xã hội tại chính các dự án chuyển đổi này.

Theo ông Châu, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi chưa tiên lượng trường hợp khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu đô thị - dịch vụ theo Nghị định 35.

Với trường hợp trong khu công nghiệp có thiết chế công đoàn bao gồm khu nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp thuê, ông Châu đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định người thuê căn hộ này từ 5 năm trở lên được mua lại nhà ở này, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ, mà khu “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” vẫn phù hợp quy hoạch, để công nhân, lao động đang thuê nhà yên tâm.

Do vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị bổ sung khoản 2a Điều 98 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cụ thể, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ, mà trong khu công nghiệp có khu nhà ở xã hội cho công nhân thuê vẫn phù hợp quy hoạch đô thị thì người thuê căn hộ này từ 05 năm trở lên được mua lại căn hộ đang thuê theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.

Ngoài ra, lãnh đạo HoREA cũng kiến nghị, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê, theo cơ chế “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh bất động sản, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Hoặc “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” đề xuất Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lựa chọn chủ đầu tư dự án “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp”, tương tự như “Trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng” quy định tại khoản 1 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.