28/12/2022 9:19 AM
Trong khi đường Vành Đai 2 Hà Nội đang cận kề ngày thông xe thì tuyến vành đai 2 TP.HCM vẫn đang loay hoay tìm cách khép kín. Sau đây là tiến độ triển khai các tuyến đường vành đai ngàn tỉ ở 2 thành phố lớn nhất nước trong năm 2022.

Vành Đai 2 – Hà Nội

Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km, chạy qua địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Đông Anh.

Đường Vành đai 2 sẵn sàng thông xe

Khởi công từ năm 2018, đến năm 2021, việc mở rộng đoạn từ Cầu Giấy - Nhật Tân đến Ngã tư Sở (tức các đường Bưởi, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Lý Sơn, Nguyễn Văn Linh, Đàm Quang Trung, Minh Khai, Đại La, Trường Chinh) cùng với đường trên cao đoạn từ Ngã tư Vọng đến Ngã tư Sở đã được hoàn thành. Các đơn vị tiến hành thi công đoạn trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả phần mở rộng dưới thấp có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỉ đồng để khép kín tiến đường.

Đến nay dự án đã hoàn thiện các bước thi công cuối cùng, sẵn sàng thông xe đầu tháng 1/2023

Vành đai 4 – Hà Nội

Đường Vành đai 4 với tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng có chiều dài toàn tuyến khoảng 112,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.

Điểm đầu tại Km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối Km40+500 trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Hướng tuyến đường Vành đai 4 - Hà Nội

Dự án được chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023. Để đáp ứng tiến độ khởi công, các địa phương sẽ phải bàn giao 70% mặt bằng sạch trước 30/6/2023.

Qua tính toán diện tích đất cần GPMB hơn 1.300 ha. Trong đó, Hà Nội cần thu hồi khoảng 740 ha tại 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín). Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 320 ha tại 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, TP Bắc Ninh, Gia Bình). Hưng Yên cần thu hồi khoảng 270 ha tại 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).

Vành Đai 2 – TP.HCM

Đường vành đai 2 là tuyến đường bộ đô thị cấp 1 vòng tròn ở TP.HCM với chiều dài toàn tuyến khoảng 70 km.

Lộ trình tuyến đường bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, chạy theo hướng Đông Bắc qua cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, rồi rẽ sang hướng Bắc, giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao An Phú rồi qua cầu Phú Hữu (cầu Rạch Chiếc 2).

Đường Vành đai 2 - TP.HCM đoạn Gò Dưa - Phạm Văn Đồng

Sau đó, con đường rẽ sang hướng Tây Bắc đi ngã tư Bình Thái, giao cắt với xa lộ Hà Nội, rồi giao cắt với đường Phạm Văn Đồng và đến nút giao Gò Dưa. Từ nút giao Gò Dưa, con đường chạy theo Quốc lộ 1 đến nút giao An Lạc, rồi theo đường Hồ Học Lãm và Trịnh Quang Nghị để khép vào đường Nguyễn Văn Linh.

Tuyến đường đi qua các địa phương sau của Thành phố Hồ Chí Minh: Quận 7, Quận 8, Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức.

Đến nay đã hoàn thành đến nay đã xong khoảng 50km tuyến chính, còn 4 đoạn từ Gò Dưa – Phạm Văn Đồng – Xa lộ Hà Nội và đoạn Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 1A vẫn chưa hoàn thành nên chưa thể khép kín toàn tuyến.

Tháng 11/2022, Sở GTVT TP.HCM mới đây đã báo cáo UBND TP trình lên HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án khép kín Đường Vành đai 2 gồm đoạn Phú Hữu - Xa lộ Hà Nội và đoạn Xa Lộ - Hà Nội - Phạm Văn Đồng với tổng vốn dự tính 17.000 tỉ đồng. Việc nhanh chóng khép kín 2 đoạn thuộc TP.Thủ Đức sẽ tạo động lực để triển khai các dự án còn dang dở, hoàn thành khép kín tuyến vành đai quan trọng của TP.HCM.

Vành đai 3 – TP.HCM

Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư 75.300 tỉ đồng. Đoạn tuyến thuộc địa phận TP.HCM dài hơn 47 km, yêu cầu diện tích mặt bằng khoảng 397 ha trên các địa bàn TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Hướng tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM

Về mốc tiến độ, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Hiện các địa phương đang triển khai công tác GPMB. Việc thu hồi, GPMB sẽ ảnh hưởng tới 1.670 hộ gia đình, trong đó 663 hộ phải giải tỏa trắng. Sở TN-MT xác định có 410 trường hợp đủ điều kiện tái định cư và 253. trường hợp không đủ điều kiện

Vành Đai 4 – TP.HCM

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 200km, tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng đi qua các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An. Dự án được giao cho các địa phương chủ động huy động vốn đầu tư.

Tháng 8/2022, TP.HCM đã phê duyệt chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 4 đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) với chiều dài khoảng 17 km được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sở GTVT TP.HCM được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định của Luật đầu tư.

  • Điểm lại những tuyến cao tốc ngàn tỷ thông xe trong năm 2022

    Điểm lại những tuyến cao tốc ngàn tỷ thông xe trong năm 2022

    Ở Phía Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về đích góp phần kết nối khu vực Tây Nam Bộ với TP.HCM, trong khi phía Bắc khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mang về kỷ lục mới cho tỉnh Quảng Ninh. Ở miền Trung, cao tốc Cam Lộ - Mai Sơn đang chuẩn bị các bước cuối cùng để kịp thông xe trong năm 2022.

Bắc Cơ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.