Dẫu nhiều thăng trầm, bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp tham gia. Họ đã góp phần không nhỏ làm cho thị trường bất động sản Việt Nam có những bước phát triển đột phá với nhiều khu đô thị, nhiều tòa nhà đẳng cấp. Những công trình này làm thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam và tạo sức lan tỏa phát triển cho nhiều địa phương.
Những bước tiến nhanh
Vượt qua quãng đường gần 15km từ ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức cũ) đến nhà bạn, Quỳnh tỏ ra thích thú khi đứng trước một không gian rộng rãi với cây xanh và mặt nước bên trong. “Đây là nơi check-in, thư giãn hợp lý vào cuối tuần, có đủ không gian rộng rãi cho trẻ con chạy nhảy và là nơi người lớn có thể tổ chức tiệc nướng ngoài trời một cách thoải mái”, Quỳnh chia sẻ. Từ khi khu đô thị này hoàn thiện một phần và đi vào hoạt động đã trở thành điểm đến mới của nhiều người dân sinh sống ở khu vực lân cận. Khu đất hơn 300ha này là một trong các dự án bất động sản đình đám nhất TP.HCM một thời về cả quy mô và tầm vóc.
Từ một vùng đất hoang sơ, nơi đây đã trở thành một khu đô thị hiện đại với trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, công viên, hồ nước. Đơn vị phát triển dự án này là cái tên rất quen thuộc trên thị trường bất động sản Việt Nam – Tập đoàn Vingroup. Thời gian qua, tập đoàn này đã có sự phát triển thần tốc về quy mô lẫn lĩnh vực kinh doanh.
Khởi đầu từ dự án khu nghỉ dưỡng hạng sang Vinpearl Luxury Nha Trang và sân golf biển đảo Vinpearl Golf Club, Vingroup đã cho ra đời một loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu Vinpearl, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển chuỗi dự án mang thương hiệu Vinpearl trên cả nước.
Khu đô thị Vinhomes Central Park. (Ảnh Internet).
Điều này được thể hiện rõ nhất khi Vingroup khởi công xây dựng dự án khu đô thị Vinhomes Central Park với tổng vốn đầu tư 30.000 tỉ đồng vào giữa năm 2014. Trong đó, điểm nhấn của dự án là tòa tháp Vincom Landmark81 tầng, vượt qua Landmark 72 (Keangnam) tại Hà Nội để trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều dự án mà tập đoàn này đã, đang và sẽ triển khai trên khắp cả nước. Điển hình như Vinhomes Grand Park, dù cách trung tâm đến gần 60 phút chạy xe, nhưng hàng chục block căn hộ được ra mắt đều có tỷ lệ hấp thụ cao.
Bên cạnh đó, mỗi dự án nhà ở thương mại của doanh nghiệp này phải có ít nhất một công viên rộng, khối đế thương mại dễ lấp đầy với nhiều cửa hàng, sân chơi thể thao nhiều loại hình, nhiều hồ bơi và các khu vực sinh hoạt, vui chơi khác… Một số dự án lớn còn có “đặc sản” là trung tâm thương mại Vincom, trường học liên cấp Vinschool và bệnh viện Vinmec. Loạt dự án này đã giúp quỹ đất của Vingroup tăng trưởng lớn mạnh.
Tính đến cuối năm 2021, tập đoàn này đã sở hữu 16.800ha, cao nhất trong các nhà phát triển bất động sản đang niêm yết. Đặc biệt, thời gian tới, thị trường dự kiến sẽ chào đón các khu đô thị mới như Vinhomes Hạ Long Xanh (4.110ha), Vinhomes Long Beach Can Gio (2.870ha), Vinhomes Dream City (460ha), Vinhomes Cổ Loa (385ha), Vinhomes Wonder Park (133ha). Ngoài Vingroup, một đại gia bất động sản cũng không thể không nhắc đến là Tập đoàn Novaland với lượng sản phẩm bán ra khổng lồ, cùng quỹ dự án lớn.
Dẫu nhiều thăng trầm, bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp tham gia. Họ đã góp phần không nhỏ làm cho thị trường bất động sản Việt Nam có những bước phát triển đột phá với nhiều khu đô thị, nhiều tòa nhà đẳng cấp.
Còn nhớ, thời điểm Novaland bắt đầu đầu tư vào dự án Sunrise City tại quận 7, TP.HCM cũng là lúc thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khủng hoảng, hàng loạt dự án bất động sản bị “đắp chiếu”, nhiều doanh nghiệp địa ốc không trụ được trước cú lao dốc của thị trường buộc phải co cụm, thậm chí phá sản. Novaland cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, nhưng cuối cùng dự án vẫn xây dựng và bàn giao đúng tiến độ để thấy được đây là dự án thật, chất lượng thật. Từ đó, thị trường bất động sản chứng kiến bước phát triển thần tốc của Novaland, khi tập đoàn này chính thức công bố một loạt dự án ra thị trường.
Đặc biệt, trong năm 2014, với hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), hầu hết các dự án này đều nằm ở vị trí trọng yếu trên địa bàn TP.HCM, đã đưa Novaland trở thành một “ông lớn” trong lĩnh vực phát triển bất động sản hàng đầu tại TP.HCM. Năm 2022, Novaland tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển dự án tại TP.HCM, tiêu biểu là việc trở thành Nhà phát triển dự án Grand Sentosa tại huyện Nhà Bè và đẩy mạnh tiến độ ba dự án quy mô hàng nghìn héc-ta là Aqua City, NovaWorld Ho Tram và NovaWorld Phan Thiet. Ngoài ra, tập đoàn này còn giới thiệu khoảng 15.000 sản phẩm, bao gồm các dự án bất động sản đô thị du lịch như: NovaWorld Mui Ne (700 ha), NovaWorld Nha Trang (600 ha), NovaWorld Lang Co (280 ha)…
Dự án Novaworld Phan Thiết.
Một doanh nghiệp khác cũng có sự tăng trưởng không kém là Tập đoàn Hưng Thịnh. Kể từ khi chính thức tham gia vào thị trường bất động sản, tập đoàn này nhanh chóng trở thành cái tên được nhà đầu tư và khách hàng “chọn mặt gửi vàng” với dòng sản phẩm vừa túi tiền dành cho người có thu nhập trung bình và ổn định, đặc biệt là thế hệ 8X và 9X. Có thể kể đến như 8X Đầm Sen (quận Tân Phú), 8X Plus (quận 12), 8X Thái An (quận Gò Vấp), 8X Rainbow (quận Bình Tân)... Cùng loạt dự án nhà ở, Hưng Thịnh liên tục mở rộng lĩnh vực hoạt động bằng việc đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Sau Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Bãi Dài - Cam Ranh, Tập đoàn Hưng Thịnh đang đặt trọng tâm phát triển tại TP.Quy Nhơn. Sau 17 năm phát triển, số lượng nhân sự của Hưng Thịnh đã tăng từ 400 người lên 2.600 người, cùng với đó là 39 công ty thành viên, 3 văn phòng đại diện và 8 sàn giao dịch lớn.
Bên cạnh ba doanh nghiệp lớn vừa kể trên, trên thị trường địa ốc còn có nhiều cái tên đáng chú ý khác như Tập đoàn Nam Long, Tập đoàn Nam Cường, Him Lam, Sungroup… Các doanh nghiệp này đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt đô thị, diện mạo của Việt Nam.
… Và cuộc “đại phẫu”
Tuy nhiên, trong bức tranh thị trường tươi sáng đó vẫn có những nét cọ màu xám vắt ngang. Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, nhiều vụ án liên quan đến bất động sản bị phanh phui khiến thị trường bất động sản vốn đang gặp những khó khăn rất lớn về pháp lý lại chịu thêm “cú đấm bồi”. Tháng 8/2022, trên thị trường xuất hiện thông tin dự án Saigon One Tower của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C được Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land mua lại.
Thời điểm đó, dự án được đồn đoán có giá mở bán lên đến 1 tỉ đồng/m2 sau nhiều năm “đắp chiếu”. Thế nhưng, việc bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt khiến nhiều người đặt dấu hỏi về số phận của tòa nhà này trong thời gian tới. Viva Land là một trong ba đơn vị được giới thiệu là đối tác của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên trang web của tập đoàn này.
Hay vụ chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm đã thông qua việc phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ và đang bị điều tra tội lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư. Ông Dũng là một đại gia trong giới bất động sản. Tập đoàn do ông đứng đầu thực hiện nhiều dự án sang trọng nằm ở các vị trí đắc địa. Tuy nhiên, đi liền với tên tuổi đó là những lùm xùm liên quan đến các dự án.
Cuối năm 2021, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây xôn xao dư luận khi trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó Tân Hoàng Minh đã “bỏ chạy” khỏi lô đất “vàng” đó và ông Đỗ Anh Dũng có tâm thư xin chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Không ít doanh nghiệp có nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, nhà đầu tư cũng mất niềm tin vào thị trường, lo ngại, không dám mua, thậm chí là muốn bán lại trái phiếu. Tình trạng “đói vốn” diễn ra ở nhiều các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn.
Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, nhiều vụ án liên quan đến bất động sản bị phanh phui khiến thị trường bất động sản vốn đang gặp những khó khăn rất lớn về pháp lý lại chịu thêm “cú đấm bồi”.
Đơn cử như ngày 22/11 vừa qua, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã phải ra nghị quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn về khả năng chi trả. Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Novaland, cho biết doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu làm việc ngày đêm để giúp tập đoàn rà soát, cân đối lại dòng tiền tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM.
Cùng với đó, tập đoàn sẽ tái cấu trúc hoạt động, trong đó có một thay đổi là ông Bùi Thành Nhơn dự kiến trở lại hội đồng quản trị, dẫn dắt công ty và là người đại diện pháp luật. Đồng thời, cắt giảm một số lượng lớn về nhân sự. Không chỉ riêng Novaland, nhiều doanh nghiệp lớn như Đất Xanh, Khang Điền, Hưng Thịnh, Nam Long… cũng thông báo điều chỉnh kế hoạch xây dựng các dự án mới, thay vào đó là tập trung hoàn thiện theo giai đoạn các dự án quy mô lớn hiện hữu, tiết giảm các hạng mục đang xây vượt tiến độ chưa cần thiết, đồng thời dời hết mọi kế hoạch mở bán, ra mắt dự án mới vào năm tới để chờ tín hiệu tốt hơn từ thị trường.
Dù vậy, thị trường bất động sản Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển và kỳ vọng sẽ sớm phục hồi khi nhu cầu ở nhiều phân khúc vẫn tích cực. Khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ và có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đặc biệt là hành động của các địa phương, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ vượt khó thành công.
-
Sắp có nhiều ‘’ông lớn’’ bất động sản đổ về vùng Đông Nam Quảng Nam?
Kế hoạch thực hiện quy hoạch đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho bất động sản vùng Đông Nam Quảng Nam trong năm 2023 và những năm kế tiếp.
-
Nhiều "ông lớn" chuẩn bị bung hàng vào cuối năm
Colliers Việt Nam thông tin, thị trường bất động sản Hà Nội quý cuối năm 2022 có thể chào đón các dự án mới từ các ông lớn như BRG, FLC, Vingroup và Sunshine.
-
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 - những con số ấn tượng
Kết thúc năm 2022, bên cạnh những khó khăn, bức tranh nền kinh tế Việt Nam nhiều gam màu sáng với những con số tăng trưởng ấn tượng. Mức tăng trưởng GDP ước tính trên 8%, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 730 tỷ USD, xuất siêu đạt tới 11,2 t...
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Định vị lại những ngôi sao ngành thép Việt
Thấm đòn từ đại dịch Covid-19, cộng thêm áp lực lạm phát, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn đã khiến thị trường thép chao đảo. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thép đầu ngành như Hòa Phát hay Hoa Sen vẫn tranh thủ tìm cách củng cố vị th...