hư Đài TNVN đã thông tin, khu vực lòng hồ Krông Pách thượng, xã Cư San, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nguyên hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu chưa được di dời, dù thuỷ lợi đã chặn dòng. Mùa mưa bão đang cao điểm, cả chính quyền và người dân đều căng cứng với nỗi lo tổn thất tài sản và nhân mạng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, đây là nỗi lo suông bởi các công trình, phương tiện giúp dân lòng hồ chống lũ, vượt lũ, vẫn chỉ có trên giấy.
Người dân đang phải thuê thuyền tư nhân với giá 30.000 đồng/lượt đi về.
Những cơn mưa, bão và áp thấp nhiệt đới nối tiếp nhau trong những ngày qua liên tục sượt qua vùng lòng hồ Krông Pách thượng, xã Cư San, huyện M’Đrăk, khiến cư dân ở đây như “chơi trò ú tim” với tử thần. Ông Lý A Tú, thôn 11, xã Cư San cho biết, cư dân miền núi, giờ phải học kỹ năng vạn chài, vì cứ ra khỏi thôn là phải dùng thuyền. Ông Tú còn nhớ như in cách đây 2 tháng, lần đầu nước trong hồ dâng cao, chính quyền các cấp đã cam kết làm cầu tạm hoặc điều động thuyền sắt, giúp dân làng đi lại thuận tiện, giảm bớt hiểm nguy. Tuy nhiên, cho đến giờ, bà con không thấy cầu mà cũng chẳng thấy thuyền. Đã cảnh nước ngập, thiếu đói, họ lại phải thuê thuyền của tư nhân chở với mức 30.000 đồng/lượt đi về cho khoảng cách chỉ khoảng 150m.
“Hiện tại, chúng tôi chỉ mong muốn rằng chính quyền tạo điều kiện có phương tiện đưa đón người dân đi lại để thuận tiện cho việc làm ăn và đưa đón con em đi học, đau ốm thì có phương tiện đi lại cho dễ. Hiện tại, người dân đi lại phải bỏ tiền túi rất tốn kém, mỗi lượt đi mất 30.000 đồng, trong khi mỗi ngày có thể phải đi lại rất nhiều”.
Vùng lòng hồ Krông Pách thượng đang bị chia cách giao thông.
Mùa mưa bão đang cao điểm, cả chính quyền và người dân đều căng cứng với nỗi lo tổn thất tài sản và nhân mạng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Cam kết có cầu tạm hoặc thuyền sắt chở miễn phí, an toàn cho người dân được các bên liên quan đến dự án Krông Pách thượng đưa ra vào trung tuần tháng 8, khi nước lòng hồ dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng tại xã Cư San. Sau đó, vào đầu tháng 9, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đi khảo sát vùng lòng hồ Krông Pách thượng đã nhắc đi nhắc lại việc thực hiện nghiêm túc cam kết này, đảm bảo an toàn cho người dân trong khi chờ giải phóng mặt bằng mà vùng lòng hồ xảy ra ngập lụt.
Thế nhưng, đến cuối tháng 9, Ban A tỉnh Đăk Lăk mới có văn bản tham mưu và cho đến ngày 12/10, thì UBND tỉnh Đắk Lắk mới ra văn bản “hỗ trợ kinh phí cứu đói và phương tiện đi lại cho các hộ dân khu vực lòng hồ thôn 9, 10 và 11 xã Cư San, huyện M’Đrăk”. Để văn bản cứu đói được thực hiện đã chưa biết đến bao giờ, đợi cầu tạm và thuyền hỗ trợ lại càng thêm xa vời. Theo ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban A tỉnh Đăk Lăk, thuyền hỗ trợ, không phải đang được đóng, mà vẫn trong tình trạng đang chờ được đóng.
“Đang chờ đóng thuyền mới thì đã có thuyền cũ của người dân ở đây nên trước mắt chưa đóng kịp thì thuê lại thuyền của dân. Thứ hai, việc đi lại này không phổ biến, mùa này rẫy nương thì người ta cũng nghỉ hết. Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan. Việc này hoàn toàn là địa phương đã chủ động dưới đấy”, ông Nguyễn Đình Thìn cho hay.
Dự báo, mưa bão thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, tính mạng, tài sản người dân vùng lòng hồ Krông Pách thượng vẫn tiếp tục bị đe dọa. UBND tỉnh Đắk Lắk đã bổ sung nhiều cán bộ cốt cán, điều động cán bộ, nhân viên ở các huyện về vùng dự án để đẩy nhanh tiến độ công việc nhưng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu.
Việc di dân lòng hồ Krông Pách thượng, nhiều khả năng không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Vì vậy, để giảm bớt nguy cơ với bộ phận dân cư này, các cấp ở Đăk Lăk cần cho thấy tác phong nói đi đôi với làm, kịp thời đưa về khu vực này những công trình, phương tiện giúp dân vượt lũ như đã cam kết.
-
Đại lộ nghìn tỷ ở Đắk Lắk: Có tiền mà không tiêu được là lỗi của chủ đầu tư
Chính phủ đã cấp 225 tỷ đồng cách đây 3 tháng. Để tình trạng có tiền mà không tiêu được là lỗi của chủ đầu tư giải phóng mặt bằng.