15/09/2020 4:33 PM
Những năm tới, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền, sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 50% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 16/08/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu cát cho xây dựng của tỉnh này đến năm 2020 khoảng 1.660 ngàn m3/năm.

Từ năm 2015, năng lực khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 160 ngàn m3/năm, so với nhu cầu dự báo về cát của tỉnh đến năm 2020 thì còn thiếu trên 1.500 ngàn m3/năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng khối lượng khai thác cát dự báo khoảng 7.992.000m3, trung bình 1.598.400 m3/năm; cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, bổ sung một lượng ít nhập từ các địa phương khác. Giai đoạn 2020 - 2030, nhu cầu cát cho xây dựng của tỉnh vượt quá năng lực khai thác cát; cần nghiên cứu, sử dụng các loại vật liệu thay thế.

Các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều có thể sản xuất cát nghiền

Theo lộ trình giai đoạn từ năm 2020 – 2022, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp, đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo tại Thông báo số 337/TB-UBND ngày 27/12/2018. Bắt đầu từ năm 2020, không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xử lý nền móng. Nghiên cứu quy hoạch vùng, có kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng nhân tạo đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể đáp ứng nguồn cung cấp số lượng lớn sản phẩm mà thị trường yêu cầu.

Khuyến khích các cơ sở khai thác và chế biến đá làm vật liệu xây dựng đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với công suất được cấp phép khai thác. Triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình vốn nhà nước do UBND tỉnh quản lý.

Cụ thể, áp dụng đối với các kết cấu bê tông có mác 200 trở xuống như bê tông lót, bê tông nền, vữa xây móng, bậc cấp… Khuyến khích sử dụng cát nghiền trong các kết cấu bê tông chịu lực của công trình và trong các hạng mục khác đảm bảo chất lượng, an toàn. Trường hợp các đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm có sản phẩm bê tông sử dụng cát nghiền đảm bảo chất lượng thì khuyến khích sử dụng trong công trình. Dự kiến cuối năm 2022, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp, tổ chức đánh giá để đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn từ năm 2023 – 2024, phấn đấu đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền, sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 50% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến cuối năm 2024, tổ chức tổng kết, đánh giá để đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn từ năm 2025 trở về sau sẽ được quy định sử dụng cát nghiền trong bê tông và vữa xây đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đến năm 2026 trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 80%. Từ sau năm 2026, trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền thay thế cát tự nhiên, hạn chế khai thác cát lòng sông.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra việc sản xuất cát nghiền ở một số đơn vị

Kế hoạch cũng nêu rõ, yêu cầu Sở TN&MT chủ trì tổ chức khảo sát, thăm dò các mỏ đá phù hợp với xay cát nghiền bổ sung vào quy hoạch để cấp phép khai thác. Phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất tỷ lệ sản xuất sản phẩm đá xây dựng và cát nghiền trong một dự án khai thác khoáng sản đá, để làm cơ sở cho các đơn vị nghiên cứu dự án đầu tư. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu khai thác đá làm cát nghiền thực hiện thủ tục cấp phép mỏ mới, mở rộng mỏ khai thác khoáng sản theo các quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cấp phối vữa sử dụng cát nghiền trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Hướng dẫn các đơn vị sản xuất triển khai thực hiện phương án sản xuất cát nghiền nhân tạo đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9205:2012. Phối hợp với Sở Tài chính công bố giá cát nghiền tại bảng Công bố giá vật liệu xây dựng của Liên sở Tài chính - Xây dựng để các chủ đầu tư tham khảo. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các chủ đầu tư, nhà đầu tư sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong quá trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng từ công trình sử dụng vốn Nhà nước đến công trình thuộc các nguồn vốn khác.

Các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây dựng có trách nhiệm ưu tiên việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong các dự án, công trình xây dựng. Tăng cường công tác kiểm tra, nghiệm thu vật liệu đầu vào đối với sản phẩm cát nghiền cho bê tông và vữa. Trước khi đưa vào thi công xây dựng công trình phải có chứng nhận hợp quy theo quy định; tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình có sử dụng cát nghiền; Tăng cường công tác quản lý nguồn gốc xuất xứ của vật liệu cát tự nhiên, không sử dụng cát tự nhiên dùng để san lấp mặt bằng...

  • Thừa Thiên Huế: Nguy cơ khan hiếm đất san lấp phục vụ các dự án lớn

    Thừa Thiên Huế: Nguy cơ khan hiếm đất san lấp phục vụ các dự án lớn

    Nhiều dự án lớn về xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, tuyến giao thông liên vùng, công trình công cộng... trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang triển khai, nhất là hai dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và mở rộng nhà gà T2 sân bay quốc tế Phú Bài khiến khối lượng đất san lấp tăng đột biến, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID - 19 phức tạp như hiện nay...

Văn Dinh (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.