Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau, nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng. Đồng kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng lòng của các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản để cùng vượt qua khó khăn chung.
Tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và các ý kiến cho biết, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến ngày 31/10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Số dư nợ được cơ cấu tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến phản hồi cho thấy Thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của chính sách. Hiện cơ quan này đang xem xét nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 Ngân hàng thương mại. Kết quảm các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng.
Về chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân, đến hết tháng 11, đã giải ngân khoảng 9.386 tỷ đồng.
Không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, hoàn thiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và xử lý, giải quyết kịp thời các kiến nghị cụ thể của các đại biểu, báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bên cạnh những kết quả mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng cho rằng tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, hoàn thiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP
Nêu một số điểm cần lưu ý trong điều hành chính sách tín dụng trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần là do kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp còn yếu, một phần là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành, đối với các tổ chức tín dụng cần bám sát tình hình, lĩnh vực, ngành nghề và linh hoạt hơn về điều kiện cho vay (nhất là về tài sản bảo đảm…) và cần đánh giá triển vọng dòng tiền nhiều hơn, sát hơn; có tiêu chuẩn, tiêu chí chung và có ưu tiên, có hạn chế đúng, trúng, phù hợp.
Việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự sát tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, chưa quyết liệt, khiến cho cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra (do các tổ chức tín dụng yếu kém này phải đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động được tiền gửi của người dân…), khiến cho quá trình giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn….
Về tư tưởng chỉ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.
Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ. Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm. Qua 2 hội nghị về bất động sản, Thủ tướng đã đề nghị điều này đến nay chưa được triển khai tích cực.
Trước đó trong phần phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
-
Đang diễn ra hội nghị “Diên hồng” tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế
Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
-
Livestream bán nhà đất trên TikTok phải xác thực bằng số định danh cá nhân
Đây là nội dung mới nổi bật được đề cập tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2024)....
-
Sẽ tổng rà soát 160 dự án đang bị vướng mắc
Thủ tướng đã quyết định thành lập ban chỉ đạo để tập trung giải quyết các dự án vướng mắc, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
-
Đồng Nai kiến nghị đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng trong triển khai các dự án Aqua City, Long Hưng, Đồng Nai Waterfront
Đồng Nai kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án tại phân khu C4, thuộc xã Long Hưng và một phần phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.