Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát. Ảnh: Baochinhphu.vn
Phát biểu tại Hội nghị phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra vào ngày 14.7, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Quan điểm của Thủ tướng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Không siết chặt cũng không buông lỏng quản lý
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không để đổ vỡ thị trường, phải bảo vệ những người làm đúng, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng để có một thị trường bất động sản bền vững, trước hết phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.
“Có người đến làm thì mới có người đến ở. Có người đến ở thì mới có người mua nhà. Lúc đó, phát triển bất động sản, phát triển đô thị mới bền vững. Đây là gốc của vấn đề”, Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, phải nắm chắc tình hình cung - cầu để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh và phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá.
Bảo đảm liên thông giữa thị trường vốn và thị trường bất động sản
Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản, con người, dứt khoát không hợp thực hóa cái sai nhưng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra.
"Tinh thần là bảo vệ thị trường, thúc đẩy thị trường, bảo vệ những người làm đúng, kiên quyết xử lý những người làm sai. Xử lý cái sai để bảo vệ cái đúng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản.
Giám sát các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao; các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện, không cản trở các doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động. Hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu của nhà nước.
Với NHNN, Thủ tướng chỉ đạo phải theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án bất động sản đầy đủ tính pháp lý.
Ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản đang chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai thực hiện trên địa bàn.
Đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân khó khăn vướng mắc đối với từng dự án, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.
Từ đó tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
-
Siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành xi măng
Chủ trương siết tín dụng bất động sản đã ảnh hưởng gián tiếp đến các doanh nghiệp ngành xi măng. Áp lực kép đang bủa vây ngành này.
-
Vướng mắc giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bao giờ mới giải toả?
Lãi suất, tiếp cận tín dụng, thủ tục pháp lý... là những vướng mắc vẫn chưa được giải tỏa giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
-
Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấ...
-
Tín dụng bất động sản toàn cầu suy giảm nhưng vẫn có điểm sáng
Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng lãi suất dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 vẫn ở mức cao, kéo theo lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị hạn chế.