Đó là nội dung tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội, theo báo Chính phủ.
Theo kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý phức tạp, và khó khăn trong huy động nguồn vốn.
Trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phối hợp đồng bộ, linh hoạt, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án.
Các chỉ đạo cụ thể từ Thủ tướng:
Bộ Xây dựng: Được giao nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các chính sách và pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, đồng thời đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức tài chính.
Địa phương: Phải nhanh chóng quy hoạch quỹ đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội tại các khu đô thị và khu công nghiệp, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng.
Ngân hàng và tổ chức tín dụng: Được yêu cầu ưu tiên giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà.
Việc xây dựng nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho người lao động và các đối tượng thu nhập thấp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định xã hội, giảm áp lực nhà ở tại các đô thị lớn. Đồng thời, đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút nguồn lao động chất lượng cao.
Nhà ở xã hội đang có nhu cầu rất lớn nhưng số lượng triển khai dự án trên thực tế rất ít ỏi. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại đang vượt quá xa tầm với của phần lớn người dân, nhà ở xã hội trở thành cứu cánh cho giấc mơ an cư của nhiều người.
Tuy vậy, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù có nhu cầu rất lớn song nhà đầu tư không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội bởi nhiều lý do. Một trong số đó là những nhiêu khê trong thủ tục, giá bán, lợi nhuận quá thấp.
Tại TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, lãnh đạo thành phố đã và đang có nhiều chính sách nỗ lực để mời gọi doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Mới đây, tại hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã nhận được 21 phiếu đăng ký xây dựng 52.167 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 của các doanh nghiệp.
Trong đó có 9 doanh nghiệp đăng ký xây dựng nhà ở xã hội trên các quỹ đất cụ thể thuộc quyền sở hữu của mình tại các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 7, TP Thủ Đức với 11.614 căn. 12 doanh nghiệp cam kết tìm quỹ đất để xây dựng 40.553 căn từ nay đến năm 2030.
Như vậy cùng với 7 khu đất TP.HCM dự kiến đấu thầu dự án để tìm chủ đầu tư, TP.HCM có khoảng 28 dự án với quy mô 60.000 căn nhà ở xã hội. Ngoài ra TP.HCM đang đầu tư công 10.000 căn nhà ở xã hội, nâng số nhà sẽ hình thành lên 70.000 căn.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc tham gia Đề án nhà ở xã hội lợi nhuận không cao, tuy nhiên thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với thành phố.
Về chính sách, ông Mãi cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố giao Sở Kế hoạch Đầu tư và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố phối hợp để rà soát lại, trong tháng 6 hoặc tháng 7/2025 trình HĐND thành phố về mức hỗ trợ và quy trình sát với chính sách khuyến khích của thành phố.
-
TP.HCM kêu gọi đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội, hướng đến mục tiêu 93.000 căn hộ vào năm 2030
TP.HCM vừa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp. Đáng chú ý, UBND thành phố đã giới thiệu 7 dự án, bao gồm 2 dự án mời gọi đầu tư và 5 khu đất dự kiến xây dựng NOXH, nhằm đạt mục tiêu phát triển 93.000 căn vào năm 2030.
-
HoREA đề xuất dự án cao cấp không cần dành 20% quỹ đất làm nhà xã hội
Đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%, thay vào đó có thể chọn bố trí tại vị trí khác hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội....
-
Cải cách chưa từng có, rút ngắn thủ tục từ hơn 1 năm xuống 6 tháng, một phân khúc bất động sản sắp có bước ngoặt lớn
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng và trực tiếp chỉ đạo các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê....
-
Cả nước không có dự án nhà xã hội nào hoàn thành trong quý 3
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 3 cả nước không ghi nhận thêm dự án nhà ở xã hội nào, chỉ một phần dự án hoàn thành một phần với quy mô 200 căn.