Ngày 16-5, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và Nghị quyết số 19 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hà- Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 đến nay, lĩnh vực nhà ở đã có những bước phát triển đáng kể. So với thời điểm năm 1999, diện tích nhà ở cả nước đã tăng gấp 2 lần, từ 709 triệu m2 lên khoảng 1,6 tỷ m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng gấp đôi từ 9,68m2 lên 19m2. Hiện cả nước có hơn 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.100 ha.
Về lĩnh vực kinh doanh BĐS, từ khi có Luật Kinh doanh BĐS năm 2006, hoạt động kinh doanh BĐS tăng mạnh giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước, nếu năm 2002 thu ngân sách từ BĐS chỉ đạt 5.486 tỷ đồng thì đến năm 2011 con số này là 67.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS tăng cao với 157 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 45,9 tỷ USD. Các tổ chức trung gian hỗ trợ cho thị trường BĐS như hệ thống sàn giao dịch BĐS, hệ thống công chứng, đội ngũ môi giới và định giá BĐS đã hình thành và hoạt động ổn định. Tính đến hết tháng 3-2013, cả nước có 1.012 sàn giao dịch BĐS được thành lập và có trên 8.000 giao dịch BĐS được thực hiện qua sàn với giá trị giao dịch đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Tuy thế, theo ông Nguyễn Văn Danh - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, Luật Nhà ở còn nhiều quy định chưa có tính khả thi, chưa khuyến khích được các chủ thể tham gia phát triển nhà ở. Vấn đề quản lý nhà chung cư, giá dịch vụ nhà chung cư, quy định về diện tích sở hữu chung và riêng còn nhiều bất cập. Đại diện Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở 2005, Luật Kinh doanh BĐS 2006. Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở xã hội, đề nghị Chính phủ quy định hỗ trợ vốn vay ưu đãi bằng 30% tổng mức đầu tư của dự án.
Về việc dành 20% đất dự án cho nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu cho rằng những khu sang trọng như Phú Mỹ Hưng không phù hợp làm nhà ở xã hội thì người nghèo sẽ bị "tống” ra các khu ngoại thành, khu đầm lầy, không có hạ tầng gì, sẽ hình thành các khu dân cư với những tệ nạn xã hội và sẽ làm tăng những bất bình đẳng, mất ổn định an sinh xã hội, mà vấn đề bất bình đẳng trong BĐS lại đang là vấn đề rất nóng. Về căn hộ nhỏ, theo Thứ trưởng Nam, mặc dù có những ý kiến chưa đồng thuận, nhưng các căn hộ nhỏ xây dựng phù hợp quy hoạch, có hạ tầng, cây xanh là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay vì vấn đề khu ổ chuột hay không ổ chuột là vấn đề hạ tầng chứ không phải quy mô căn hộ. "Dân nghèo mà cứ thiết kế nhà to thì làm sao dân mua được, thực tiễn chứng minh hiện căn hộ quy mô nhỏ, giá thấp bán chạy, còn sau này 10-15 năm dân giàu có lên thì thị trường sẽ tự sắp xếp điều chỉnh - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nếu cho rằng những khu sang trọng như Phú Mỹ Hưng không phù hợp làm nhà ở xã hội thì người nghèo sẽ bị "tống” ra các khu đầm lầy, sẽ làm tăng những bất bình đẳng, mất ổn định an sinh xã hội, mà vấn đề bất bình đẳng trong BĐS lại đang là vấn đề rất nóng. |