Hiện tại, Khu Công nghệ cao có hơn 400ha đất sạch sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư. TRONG ẢNH: Nhà máy sản xuất thiết bị Y tế ICT Vina do Công ty Dentium Co.,LTD (Hàn Quốc) đầu tư đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao. Ảnh: KHÁNH HÒA
Là 1 trong 3 dự án trong nước đầu tiên được Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Khu CNC trong những tháng đầu năm, đại diện Công ty CP Xây dựng Thương mại Vĩnh Đức, chủ đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất dụng cụ và vật tư y tế với tổng vốn 350 tỷ đồng cho biết, lý do lựa chọn Đà Nẵng vì tin tưởng vào tiềm năng phát triển và sức lan tỏa của một đô thị năng động, đang trên đà phát triển mạnh mẽ và là trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đây là dự án sử dụng công nghệ cao để sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng với các sản phẩm: đĩa đệm, vít cột sống lưng, thanh nối dọc và vít khóa trong cột sống lưng. Một tín hiệu vui khác là tại Khu CNC, dự án Nhà máy Nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT của Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP - thuộc Trung Nam Group) vừa được đưa vào vận hành.
Theo Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng, trong thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng hoạt động thu hút đầu tư Khu CNC vẫn đạt được tín hiệu tích cực. Theo đó, đơn vị đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trong nước với tổng vốn 531 tỷ đồng, 1 dự án FDI với tổng vốn là 60 triệu USD (chiếm 74,8% tổng vốn FDI thu hút của thành phố Đà Nẵng trong những tháng đầu năm là 80,2 triệu USD). Lũy kế đến nay, thành phố đã thu hút được 22 dự án vào Khu CNC, trong đó 12 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 400,1 triệu USD.
Hiện nay, tại Khu CNC Đà Nẵng, có 9/22 dự án đã đi vào hoạt động, sản xuất do các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và trong nước đầu tư. Một số dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư. Các dự án thu hút vào Khu CNC chủ yếu là những dự án sản xuất các ngành, lĩnh vực về: công nghệ sinh học, công nghệ nano; thiết bị tự động hóa và linh kiện cho ngành hàng không vũ trụ; nghiên cứu và phát triển tự động hóa, các phần mềm ứng dụng trong công nghiệp 4.0; nghiên cứu và thiết kế, phát triển các sản phẩm điện tử, công nghệ thiết kế chế tạo các vi mạch điện tử tích hợp, thiết bị y tế… Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại Khu CNC đạt 69,6 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 43,5 triệu USD; đóng góp ngân sách thành phố 199 tỷ đồng.
Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng Phạm Trường Sơn nhìn nhận, đây là tín hiệu tích cực cho thấy, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Đà Nẵng vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước. Thành phố đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng cơ sở các khu, cụm công nghiệp, khu CNC; đổi mới hình thức thu hút đầu tư theo đúng định hướng…, góp phần cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, đúng những gì thành phố đã cam kết. Ông Sơn cũng cho biết, trong thời điểm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, đơn vị đã chủ động, linh hoạt trong triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư như xúc tiến đầu tư tại chỗ, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án vào Khu CNC Đà Nẵng.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang được các nhà đầu tư quan tâm để triển khai dự án. TRONG ẢNH: Công ty TNHH Giải pháp an toàn tự động Hatsuta đóng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện nay một số kế hoạch triển khai chương trình thu hút đầu tư vào Khu CNC bắt đầu được tái khởi động trở lại. Hiện nay, Khu CNC có gần 400 ha đất sạch sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư.
Theo định hướng phát triển Khu CNC Đà Nẵng đến năm 2030, công tác thu hút được triển khai trên cơ sở có sự chọn lọc, phù hợp với 6 lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu CNC như: công nghiệp ICT, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, công nghệ cao và các dự án nghiên cứu phát triển (R&D)…, tập trung vào các công nghệ và sản phẩm công nghệ cao, có suất đầu tư cao, sử dụng ít đất.
Trong thời gian tới, khi tình hình Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác thu hút các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á...
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 khu công nghiệp mới (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng để có điều kiện xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian đến.
-
Đà Nẵng góp ý phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua thành phố
UBND thành phố vừa gửi công văn đến Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) góp ý hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua thành phố Đà Nẵng.
-
Quy hoạch Đà Nẵng 2021-2030: Với 800.000 tỷ đồng thành phố tương lai sẽ ra sao?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 95/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được kỳ vọng tạo động lực phát triển toàn diện, nâng cao vị thế Đà Nẵng t...
-
Những yếu tố cần thiết để hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực
Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày 16/1/2025 tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam".
-
10.000 sinh viên tại Đà Nẵng đón tin vui
Ngày 16/01, tập đoàn FPT chính thức khởi công Tòa nhà FPT Polytechnic Đà Nẵng tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đây là công trình đầu tiên trong số 5 dự án mà Công ty Cổ phần FPT sẽ triển khai tại Đà Nẵng trong năm 2025....