09/03/2016 5:30 PM
CafeLand - Trong một hội thảo được tổ chức tại Tp.HCM sáng nay (9/3), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước – Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 không làm giảm vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, đó chỉ là tín hiệu cảnh báo để kiểm soát rủi ro đối với các tổ chức tín dụng vì nếu dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn quá mức thì sẽ phát sinh rủi ro mà rủi ro không chỉ với tổ chức tín dụng mà còn ảnh hưởng cả nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước – Nguyễn Thị Hồng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước – Nguyễn Thị Hồng có 2 vấn đề cần làm rõ để tránh các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiểu lầm về dự thảo Thông tư 36.

Thứ nhất là đề xuất giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn bình quân từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Bà Hồng cho biết, trước đây, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đã ở mức thấp chứ không phải 60%, tuy nhiên trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng kinh tế chậm lại, doanh nghiệp sản xuất khó khăn và tín dụng không lưu thông được nên giải pháp này cũng là hỗ trợ cho sự hồi phục của kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn bình quân của hệ thống là 31% thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản với số tiền lên đến khoảng 450 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36.

Thứ hai là hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản cũng dự kiến dự kiến được nâng từ 150% hiện nay lên 250%, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) không đáng kể. Theo đó, hệ số CAR bình quân của toàn hệ thống giảm từ 13% xuống 12,1%.

Như vậy, việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào bất động sản. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh bất động sản có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay để được rót vốn đầu tư không, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước cho biết.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2015 tín dụng tín dụng trung, dài hạn tăng rất nhanh (29%), chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ. Tỷ lệ này theo chiều hướng tăng liên tục (năm 2013 là 43,1%; năm 2014 là 45,4%), làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.