Hôm nay (1/4/2011) thông tư 226 của Bộ Tài chính quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính với các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã chính thức có hiệu lực.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Tổng giám đốc CTCK An Bình, bên cạnh những điểm tích cực, thông tư 226 còn tồn tại những điểm hạn chế khiến các công ty chứng khoán băn khoăn trong việc áp dụng trong những trường hợp cụ thể.

Theo quy định của Thông tư thì tổng giá trị rủi ro đựoc xác định bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động.

Về rủi ro hoạt động được tính toán bằng 25% chi phí hoạt động trong 12 tháng liên tiếp hoặc 20% vốn pháp định, tùy thuộc giá trị nào lớn hơn. Điều này có thể dẫn đến nghịch lý là công ty càng có vốn pháp định lớn thì giá trị rủi ro hoạt động được tính càng cao kể cả trường hợp công ty có kiểm soát chi phí tốt, hay chi tiêu hiệu quả tiết kiệm chi phí thì cũng không có ý nghĩa gì.

Chẳng hạn, nếu tính 20% vốn pháp định 300 tỷ sẽ là 60 tỷ, con số này là giống nhau với tất cả các công ty chứng khoán được phép cung cấp tất cả các nghiệp vụ. Tuy nhiên cơ cấu chi phí của mỗi công ty không giống nhau.

Bên cạnh đó nhiều chuyên gia chứng khoán còn cho rằng, Thông tư 226 ủng hộ việc ‘lướt sóng’ của công ty chứng khoán vì các công ty chứng khoán sẽ phải tính toán cân nhắc về khung đầu tư nắm giữ 90 ngày sẽ được ưu tiên hơn, thay vì có thể cam kết lâu dài hơn.

Như vậy, việc đầu tư vào chứng khoán niêm yết kiểu ‘lướt sóng’ sẽ phù hợp hơn trong bối cảnh quy định của Thông tư.


Trong trường hợp chi phí của một công ty trong 12 tháng liên tiếp thấp hơn 60 tỷ, thậm chí chỉ 30 tỷ thì công ty đó vẫn bị áp giá trị rủi ro là 60 tỷ. Điều này chưa thật hợp lý và không khuyến khích việc tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn của Công ty.

Về rủi ro thị trường, theo Thông tư, hệ số rủi ro cổ phiếu niêm yết trên HOSE là 10%, trên HNX là 15%, UPCoM là 20%. Với cổ phiếu đã đăng ký lưu ký nhưng chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, cổ phiếu đang trong đợt phát hành lần đầu là 30%; của các công ty đại chúng khác là 50%; cổ phần, phần vốn góp và các loại chứng khoán khác là 80%.

Việc xác định chứng khoán chưa niêm yết rủi ro hơn chứng khoán niêm yết nhưng Thông tư đã quy định hệ số rủi ro tính cho chứng khoán chưa niêm yết ở mức rất cao như trên là chưa thật hợp lý.

Như vậy sẽ không gắn kết giữa công ty chứng khoán với việc phát triển thị trường niêm yết. Các công ty chứng khoán sẽ không còn mặn mà với việc tìm kiếm công ty tốt chưa niêm yết, tham gia góp vốn đầu tư để phát triển công ty và giúp niêm yết trên các sở giao dịch – ông Hải nói.

Cafeland.vn - Theo Cafef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland