11/05/2024 10:46 AM
Khu vực Tây Nguyên sẽ có 5 thành phố nằm trong danh sách không được phân lô, bán nền theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong số này, có những nơi từng là tâm điểm của cơn sốt đất giai đoạn 2020 – 2022.

5 khu vực ở Tây Nguyên sẽ không được phân lô, bán nền theo quy định mới

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III và 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V.

Với quy định trên, Tây Nguyên sẽ có 5 khu vực không được phân lô, bán nền. Đây là những đô thị lớn của vùng và cũng là những thị trường bất động sản sôi động nhất.

Cụ thể, tại Lâm Đồng có hai khu vực không được phân lô, bán nền là TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc. Trong đó, TP. Đà Lạt nằm trong danh sách 22 đô thị loại I, còn Bảo Lộc là một trong 43 đô thị loại III của cả nước.

Đáng chú ý, TP. Bảo Lộc là địa phương từng là điểm nóng về sốt đất trong giai đoạn 2020 – 2022.

Thời điểm đó, ăn theo quy hoạch các tuyến cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Tân Phú sắp khởi công và làn sóng các doanh nghiệp lớn đề xuất các dự án đại đô thị đã kéo theo cơn sốt đất bao trùm phố núi.

Giá đất Bảo Lộc được đẩy lên cao chóng mặt và thay đổi theo từng ngày. Hàng loạt dự án bất động sản được lập ra nhưng không đảm bảo pháp lý, không được chính quyền phê duyệt. Nhiều ngọn đồi trồng chè của Bảo Lộc được ‘cạo trọc” để phân lô, bán nền.

Hệ lụy của cơn sốt đất để lại không chỉ những nhà đầu tư lướt sóng phải gánh chịu mà còn phá vỡ quy hoạch của thành phố. Nhiều cán bộ quản lý đất đai của TP. Bảo Lộc cũng bị xử lý sai phạm trong giai đoạn này.

Hai khu vực không được phân lô, bán nền tiếp theo của Tây Nguyên tiếp theo là thanh phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Pleiku (Gia Lai) đều đang là đô thị loại I.

Trong đó, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.

Khu vực thứ 4 không được phân lô, bán nền ở Tây Nguyên là TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) hiện đang là đô thị loại II.

Một góc TP. Gia Nghĩa

Cuối cùng là TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đang là thành phố loại III không được phân lô, bán nền. Gia Nghĩa là đô thị trẻ ở khu vực Tây Nguyên khi chỉ mới lên thành phố vào tháng 1/2020.

Dù thị trường bất động sản còn chưa thực sự phát triển, nhưng trong giai đoạn sốt đất 2020 – 2022, TP. Gia Nghĩa cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cơn sốt đất cũng đã xuất hiện ở một số khu vực, nhất là quanh hồ Tà Đùng – một trong những danh thắng nổi tiếng của Đắk Nông.

Về mạng lưới giao thông, hiện nay quốc lộ 14 đang là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng nhất chạy qua TP. Gia Nghĩa kết nối với các đô thị lớn khu vực Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.

Hiện nay, cao tốc Chơn Thành – Gia Ngĩa là tuyến cao tốc đầu tiên tại Đắk Nông đang được chuẩn bị đầu tư.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Dự án có chiều dài khoảng 140 km, quy mô 6 làn xe, đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước, tiến trình đầu tư trước 2030.

Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư.

Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua.

Ngày 20/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 695/TTr-CP trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ sẽ phối hợp với tỉnh Bình Phước khẩn trương triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định để sớm khởi công đầu tư xây dựng.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.