28/06/2022 6:32 PM
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng nên bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc đối với các dự án hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39, HoREA cho rằng cần thiết bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.

Dự thảo thông tư vẫn cho phép tổ chức tín dụng cho vay để thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc có đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản tuân thủ pháp luật sẽ không bị ảnh hưởng. Các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai hội đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc.

Tổ chức tín dụng chỉ không được cho vay để thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai như các trường hợp phân lô bán nền trái phép, hoặc các dự án nhà chung cư chưa xây dựng xong phần móng, chưa hội đủ các điều kiện để được huy động vốn theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Đề nghị cho vay nếu khách hàng có tài sản bảo đảm

HoREA cho biết một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo chưa hợp lý, chưa hạn chế được rủi ro tín dụng nhưng lại có biểu hiện của việc thắt chặt tín dụng.

HoREA thống nhất về nguyên tắc tổ chức tín dụng không được cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, nhưng đề nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm.

Chẳng hạn như cho vay mở sổ tiết kiệm chứng minh khả năng tài chính đi du học, du lịch; cho vay chứng minh khả năng tài chính để đấu thầu, đấu giá... mà khách hàng có tài sản bảo đảm.

Tương tự, với mục đích vay góp vốn, hợp tác đầu tư, hiệp hội cũng kiến nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm.

Ví dụ như cho vay để góp vốn thành lập công ty; hợp tác đầu tư với bên thứ ba; nhận chuyển nhượng vốn góp; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa mà người vay có tài sản bảo đảm.

Hiệp hội cho rằng để kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay tín dụng thì cần phải dựa vào các yếu tố như năng lực chủ thể của khách hàng vay, năng lực tài chính/năng lực trả nợ của khách hàng vay, tài sản bảo đảm của khách hàng vay, lịch sử tín dụng/uy tín của khách hàng vay, các điều kiện tín dụng của khoản vay.

Đối với các ngành nghề không khuyến khích cho vay thì chỉ yêu cầu áp dụng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn để hạn chế tín dụng như giới hạn tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm; giới hạn về tỷ lệ cho vay/tổng dư nợ…

Đừng để ngân hàng không dám cho vay bất động sản

Ngoài ra, dự thảo còn có quy định kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo xác định của tổ chức tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng quy định tại dự thảo nêu trên sử dụng từ “kiểm soát” việc “cho vay mua, kinh doanh bất động sản” và “kiểm soát” việc “cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn” nên đã dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Việc thắt chặt này, theo ông Châu, hướng đến khoản cho vay để mua bất động sản cao cấp do đây là khoản vay "có giá trị lớn", có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng "ngại" hoặc "không dám" cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hoặc vay để xây nhà, sửa chữa nhà.

Ông Châu kiến nghị nên thay thế từ “kiểm soát” bằng từ “quản lý” hoặc cụm từ “tăng cường quản lý” và Ngân hàng Nhà nước cần quy định “khoản vay có giá trị lớn” để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.