11/04/2017 1:19 PM
Những ngày này Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5 gần kề.
Trong khuôn khổ xây dựng dự thảo này, mức độ thực tế hơn của nợ xấu được công bố, vượt xa “con số đẹp” dưới 3% theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thời gian qua.
Mức độ tắc nghẽn lớn
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.
Tính theo tổng dư nợ 5,5 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống đến 31/12/2016, quy mô nói trên lên tới 487.000 tỷ đồng.
Có một điểm được chú ý, “nợ tiềm ẩn thành nợ xấu” được xác định như thế nào, ở đâu vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Nhìn sang một thực tế liên quan, được Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhiều lần cảnh báo: lãi dự thu của hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng, có sự bất hợp lý ở một số tổ chức tín dụng yếu kém và có vấn đề. Cảnh báo này cũng khớp với dữ liệu tập hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, quy mô lãi dự thu liên tục tăng nhanh và ở mức cao từ năm 2012 đến 2016.
Theo số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2016, lãi dự thu của toàn hệ thống tăng khoảng 19% so với cuối 2015; tỷ lệ lãi dự thu trên tổng dư nợ là 2,9%, tính ra vào khoảng 160.000 tỷ đồng.
Bên cạnh nợ xấu, quy mô lớn của lãi dự thu này cũng được cảnh báo tiềm ẩn nợ xấu trong đó.
Hiểu một cách hình ảnh, lãi dự thu là năng suất được tính cho mỗi ha ruộng. Thế nhưng, nhiều thửa ruộng hạn hán mất mùa năm này qua năm khác mà chủ ruộng vẫn hạch toán lượng năng suất đó vào phần sẽ gặt về.
Áp lực đặt ra, hệ thống ngân hàng Việt Nam từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, minh bạch hơn, tiêu chuẩn an toàn cao hơn… Thực tế, từ 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt ban hành các khung pháp lý chặt chẽ hơn trong xác định và ứng xử với nợ xấu. Rủi ro tiềm ẩn trong lãi dự thu đứng trước yêu cầu phải nhận diện rõ, đi cùng là ứng xử với chúng.
Ứng xử như thế nào? Các tổ chức tín dụng phải đánh giá đúng và thực hiện thoái lãi dự thu. Điều đó có nghĩa sẽ đứng trước áp lực phải ghi nhận chính xác nợ xấu tiềm ẩn trong đó. Ghi nhận thì phải trích lập dự phòng. Trích lập thì phải có nguồn. Có nguồn thì phải hy sinh lợi nhuận. Lợi nhuận đến từ lãi suất cho vay là chính. Đến đây, thêm phần lý giải vì sao lãi suất cho vay khó giảm thêm, nền kinh tế vẫn đang phải trả phí để nuôi nguồn vốn tắc nghẽn chưa thông được đó.
Chưa dừng lại, nếu thực hiện thoái lãi dự thu, không loại trừ sẽ có thêm những ngân hàng không đủ sức ghi nhận áp lực trên, dẫn tới các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động không đảm bảo. Vòng quay huy động cho được vốn mới để trả cho vốn cũ ra đi không về càng tạo áp lực lên lãi suất…
Cộng hưởng cả vấn đề nợ xấu và áp lực thoái lãi dự thu nói trên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn điểm nghẽn lớn sau gần 6 năm triển khai.
Tháo gỡ bằng cơ chế?
Theo mục tiêu đã định, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đến 2020 phải đạt kết quả căn bản và thực chất. Thế nhưng, sau 6 năm tái cơ cấu, còn hơn 3 năm nữa là đến điểm hẹn trên, cơ chế pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn loay hoay, chưa định. Bằng chứng là mãi cho đến thời điểm này dự thảo luật nói trên mới được đặt ra một cách chính thức.
Dự thảo trên đưa ra các điểm cơ chế để góp phần tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn, nổi bật là điểm nghẽn nợ xấu và thoái lãi dự thu nói trên.
Đó là cơ chế các tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ cho vay hỗ trợ nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, được vay vốn đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, được thoái dần các khoản phải thu theo lộ trình, được miễn hoặc giảm dự trữ bắt buộc… Những cơ chế này cần sớm xem xét để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu (trước thực tế một số tổ chức tín dụng yếu kém càng hoạt động càng lún sâu vào khó khăn).
Tuy nhiên, có quan điểm phản biện, như từng nổi bật và điển hình trong lựa chọn hoãn, lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro những năm trước. Đó là Việt Nam vẫn chưa chuẩn mực được khung hoạt động công bằng, bình đẳng và chuyên nghiệp; trên một thị trường vẫn có những nhóm áp các cơ chế khác nhau, thậm chí là đan xen cơ chế “ưu ái”.
Ngược lại, khi trao đổi với VnEconomy về quan điểm trên, một thành viên tham gia xây dựng dự thảo luật nói trên cho rằng: giữa mong muốn và thực tế thường có khác biệt.
Thực tế là, hiện nay, nếu thực hiện phân loại nợ sằng phẳng, bắt thoái lãi dự thu một cách lạnh lùng, trích lập dự phòng liên quan đầy đủ…, thì chắc chắn nhiều tổ chức tín dụng yếu kém không thể đáp ứng nổi, thậm chí càng sa lầy vào khó khăn hơn nữa.
“Nếu bắt buộc họ thực hiện một cách đầy đủ, họ cũng không thể có nguồn để thực hiện. Nhưng nếu có hỗ trợ về cơ chế, tạo điều kiện để họ từng bước đáp ứng, tìm hướng phục hồi và khoẻ lên. Ở đây có thể nói là cho đi để nhận lại, hỗ trợ bằng cơ chế, họ sẽ trở lại đóng góp cho ngân sách và phục vụ nền kinh tế”, thành viên trên nêu quan điểm, cũng như lưu ý Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ việc chia cổ tức, lương thưởng của các ngân hàng, đặc biệt là những trường hợp yếu kém hoặc có vấn đề, cho đến khi họ thực sự khoẻ hẳn và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách.
Trong trường hợp không có cơ chế hỗ trợ, chắc chắn sẽ có những trường hợp đổ vỡ hoặc sa lầy thêm, mà trong đó có cả tình huống thuộc sở hữu và trách nhiệm Nhà nước đã nhận về; hoặc như không có cơ chế thông điểm nghẽn nợ xấu và lãi dự thu nói trên, quá trình tái cơ cấu khó đẩy nhanh, chi phí của nền kinh tế qua lãi suất càng khó giảm.
Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.