Trước thềm thoái vốn nhà nước, mảng kinh doanh BĐS của Hancorp được các NĐT rất quan tâm. Ảnh: Trụ sở Hancorp
Không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) do Bộ Xây dựng sở hữu theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 16/12/2020 bị hủy do hết thời hạn đăng ký và không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá. Sau thông tin tin này, nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về thực lực của mảng kinh doanh bất động sản (BĐS) vốn được xem là 1 trong 2 trọng tâm hoạt động của Hancorp bên cạnh lĩnh vực xây lắp.
Về mảng BĐS, chỉ tính riêng các dự án BĐS mà Hancorp đang quản lý, thực hiện có 16 dự án với tổng diện tích các lô đất đang quản lý là 152.915m2. Trong 16 dự án này thì có đến 15 dự án là các cấu phần thuộc Khu đoàn ngoại giao - Hà Nội, 1 dự án còn lại là dự án hạ tầng khu dân cư Phước An, Long Thọ (Đồng Nai) có tổng mức đầu tư công bố 397 tỷ đồng, hiện hoàn thành tạm tính khoảng 90%.
Khu đô thị Ngoại Giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Hancorp làm chủ đầu tư
Trong 15 dự án thành phần tại Khu đoàn ngoại giao – Hà Nội, ngoài Khu biệt thự BT1-BT6 trên diện tích 55.704m2 có giá trị hoàn thành tạm tính đạt 95% đang bàn giao cho khách hàng thì toàn bộ các dự án thành phần khác đều đang dang dở.
Theo báo cáo tài chính, trong cơ cấu doanh thu công ty mẹ, cơ cấu doanh thu tại công ty mẹ giai đoạn 2018-6T2020 (6 tháng đầu năm 2020) thì trong năm 2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 54,7% tổng doanh thu với giá trị 1.173,2 tỷ đồng. Tuy nhiên sang đến năm 2019, hoạt động này chỉ đóng góp 8,4% doanh thu tương đương giá trị 116,1 tỷ đồng do trong năm 2018, Hancorp ghi nhận doanh thu từ dự án Nhà ở cao tầng N01T8 tại Khu ngoại giao đoàn Hà Nội. Trong 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh BĐS chỉ thu về 10,5 tỷ đồng, tương ứng với 2,5% tổng doanh thu.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, đến thời điểm 30.6.2020, chi phí phải trả ngắn hạn về Trích trước chi phí các dự án BĐS mà Tổng công ty đang là chủ đầu tư ở mức 630,474 tỷ đồng.
Theo thống kê các tài sản bất động sản của Hancorp đến thời điểm 30/6/2020 gồm có 6 hạng mục tại Trụ sở (57 Quang Trung) – đất thuê 30 năm; Làng Quốc tế Thăng Long; Dự án khu Doàn Ngoại giao tại Hà Nội; Đất tại xã Cổ Loa – Đông Anh (Hà Nội) – đất nhận chuyển nhượng, chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất; Trụ sở chi nhánh Hancorp tại thành phố Hồ Chí Minh; BT28, ô số 6 tại dự án KDC Phước An (587,6m2).
Theo bản công bố thông tin phục vụ thoái vốn nhà nước, đơn vị tư vấn đã đưa ra một số lưu ý liên quan đến các dự án của Hancorp đang đầu tư: "Đối với dự án Khu đoàn ngoại giao, hiện doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục làm việc với UBND TP. Hà Nội để được công nhận các chủ đầu tư thứ cấp tại dự án và cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Đồng thời Hancorp cũng đang phải tiếp tục làm thủ tục điều chỉnh Quy hoạch cục bộ 1/500 đối với các ô đất: HH1, NỌl-NG, N02-NG.
Đối với dự án khu dân cư Phước An - Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hiện Hancorp đang phải tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để được hoàn trả chi phí đầu tư hạ tầng và thoái thu tiền sử dụng đất đã nộp đối với diện tích đất đã bàn giao cho UBND huyện Nhơn Trạch.
Đối với dự án Tổ hợp nhà ờ đa năng 28 tầng - Làng Quốc tế Thăng Long, hiện Hancorp đang tiếp tục làm việc với các Sở ban ngành để thực hiện nghĩa vụ tài chính về phần chênh lệch giữa giá thành và giá bán đối với 30% quỹ nhà để nộp vào Ngân sách Thành phố (theo quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001 của UBND Thành phố Hà Nội)".
"Phớt lờ" chỉ đạo của Thủ tướng
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có báo cáo kiểm toán về tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).
Về quản lý, sử dụng đất, KTNN chỉ ra những sai phạm trong dự án khu đoàn ngoại giao (quận Tây Hồ). Cụ thể, đến thời điểm kiểm toán, Hancorp chưa ký hợp đồng thuê và chưa nộp tiền thuê đất vào ngân sách đối với các lô đất thuê, gồm các lô CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, từ lô QT1 đến QT6, lô P1, P2. Nguyên nhân là do các cơ quan liên ngành đang phối hợp xác định giá cho thuê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương chuyển 2 tầng kỹ thuật sang làm thương mại
Với dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty Xây dựng số 1 (thuộc Hancorp) tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 2 tầng kỹ thuật thành tầng kinh doanh thương mại sai thiết kế, quy hoạch, buộc phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất 10,8 tỉ đồng.
Ngoài ra, dự án khu đô thị mới Quế Võ (Bắc Ninh), Công ty Tây Hồ chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với 9,9 ha đất nhiều năm qua. Hancorp hợp tác kinh doanh trên lô đất 5.000 m2, quận Hà Đông, TP Hà Nội từ năm 2001 nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Đối với dự án Tổ hợp nhà ở đa năng Làng Quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Hancorp chưa bàn giao kịp thời khu thể dục thể thao với diện tích hơn 6.102 m2 và khu đất nhà trẻ với diện tích 408,2 m2 cho UBND TP Hà Nội theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo báo cáo của Hancorp, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan của UBND TP Hà Nội để tiến hành các thủ tục bàn giao các khu đất này.
Theo cơ quan kiểm toán, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng tại các dự án nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc đoàn ngoại giao còn tồn tại một số sai phạm như lập tổng mức đầu tư dự án sai làm tăng vốn đầu tư, thiếu hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ quản lý chất lượng công trình, bảng chấm công, chứng từ chi trả lương.
Cơ quan kiểm toán phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư các dự án hơn 61 tỉ đồng, trong đó tính sai khối lượng 10,5 tỉ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỉ đồng, sai khác gần 48 tỉ đồng.
-
Chậm thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn của Bộ Xây dựng: Thiệt đơn, thiệt kép
Bộ Xây dựng đang trong quá trình thoái vốn tại các tổng công ty trực thuộc.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp diện này đang kinh doanh “bết bát”.
-
Thu hồi 136ha đất để triển khai hai tuyến vành đai trọng điểm của Hà Nội
Hà Nội dự kiến thu hồi khoảng 136ha đất để triển khai hai dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm đoạn đường Vành đai 3,5 từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đoạn đường Vành đai 2,5 từ Nguyễn Trã...
-
FLC Faros tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường
Ngày 25/12/2024, CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 25/11/2024.
-
Hà Nội: Hé lộ giá đất tại tuyến phố đắt nhất ở Hoàng Mai, Đông Anh
Theo bảng giá đất mới cập nhật, tuyến phố Minh Khai và tuyến đường Cao Lỗ - Quốc lộ 3 là hai nơi có giá đất cao nhất tại quận Hoàng Mai và huyện Đông Anh, Hà Nội.