Giá cao và tiến độ quá ì ạch được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà thu nhập (TNT) làm người dân kém mặn mà.
Mới đạt…1% kế hoạch(!)
Theo báo cáo do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày tại hội nghị ngành
xây dựng, trong năm 2011, cả nước có thêm khoảng 80 triệu mét vuông sàn
nhà ở. Diện tích bình quân ước đến cuối năm 2011 đạt khoảng 18,3m2
sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 21,3m2, tại nông thôn là
16,8m2/người. Về chương trình đầu tư nhà ở cho sinh viên, cả nước có
khoảng 150 khối nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng 125.000
chỗ ở. Dự kiến đến cuối tháng 6 và cuối năm 2012 sẽ có 100 khối nhà hoàn
thành, đa số từ 9 tầng trở lên, được đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho
khoảng 205.000 sinh viên.
Cũng trong năm qua, cả nước cũng đã có thêm 27 dự án nhà ở cho công nhân
được khởi công, với tổng vốn đầu tư 3.015 tỉ đồng, dự kiến đáp ứng chỗ ở
cho khoảng 140.000 lao động tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến
thời điểm này mới có 9 dự án tại Hà Nội và TPHCM hoàn thành và đưa vào
sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 27.800 lao động.
Đặc biệt, đối với chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các
đô thị, trong năm 2011, theo số liệu báo cáo của các địa phương trên cả
nước, hiện có 42 dự án khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng
4.500 tỉ đồng, tổng diện tích sàn khoảng 907.000m2, đáp ứng cho khoảng
73.200 người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2011,
mới chỉ có 1.714 căn hộ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho
khoảng 8.000 người, đạt 1% kế hoạch (!).
Vì không được vay ưu đãi(?)
Theo phản ánh của nhiều người dân thuộc đối tượng được mua nhà TNT thì
những hi vọng về căn hộ chất lượng tốt - giá rẻ của người dân kể từ khi
dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên của Hà Nội khánh thành vào cuối năm
2010 đã không được như mong đợi.
Chị Nguyễn Thị Vân – công nhân Cty May Đức Giang cho biết, nhà TNT mà có
giá tới gần 1 tỉ đồng, một số tiền mà ngay cả người phải đóng thuế thu
nhập cũng chưa chắc đã có, thì với đồng lương công nhân thiếu trước hụt
sau như chị tích góp làm sao đủ để mua nhà. Chị cũng là một trong những
khách hàng đầu tiên đăng ký bốc thăm mua nhà tại dự án Sài Đồng. Tuy
nhiên, khi chủ đầu tư chính thức ra thông báo với giá tạm tính lên tới
hơn 13 triệu/m2, một căn hộ khoảng 70m2 thì cũng có giá tới gần tỉ bạc
thì chị đành ngậm ngùi bỏ cuộc. “Kể cả chủ đầu tư có kéo dài thời hạn
thanh toán đến 2-3 năm thì tôi cũng không thể xoay được tiền, vay ngân
hàng thì càng không dám rồi vì tiền đâu trả lãi suất” - chị Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó còn có một yếu tố hết sức quan trọng khác làm người dân nản
lòng với nhà TNT, đó là định giá nhà TNT của các chủ đầu tư vẫn còn quá
cao, không quá hấp dẫn so với các dự án nhà thương mại. Đơn cử như dự án
NO 10A nằm trong khu đô thị mới Sài Đồng. Với mức giá tạm tính là 13,2
triệu đồng/m2, nếu so với các dự án thương mại nằm ở khu vực tương đương
ở mức 15-16 triệu đồng/m2 thì dự án trên cũng không giảm nhiều, cho dù
chủ đầu tư đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, và bản thân
người mua thì phải chịu hàng loạt sự ràng buộc về tiêu chuẩn, điều
kiện... Đây cũng là lý do khiến gần đây khá nhiều người đã trả lại nhà,
nhiều dự án công bố bán, nhưng chờ mãi không có khách, khác xa với cảnh
chen lấn xếp hàng mua bằng được nhà TNT trước đây.
Điều đáng chú ý, bản thân Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, tính đến
thời điểm này, trên địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 11 dự án đầu tư
xây dựng nhà ở cho người TNT đã và đang triển khai. Tuy nhiên, sau gần 2
năm thực hiện, ngoại trừ dự án đầu tiên tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) được
diễn ra suôn sẻ, được đông đảo người dân phấn khởi hưởng ứng, còn lại
phần lớn đều đang lâm vào tình cảnh ế ẩm, dở khóc dở cười.
Ông Đặng Hoàng Huy – TGĐ Vinaconex Xuân Mai – một trong những DN được
đánh giá là DN dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà TNT - đã thanh minh về
các vấn đề bất cập trong chính sách nhà TNT hiện nay như thế này: “Đúng
là theo quy định, chủ đầu tư nhà TNT được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng
Phát triển nhưng trên thực tế hầu hết các chủ đầu tư đều phải tự thu xếp
vốn vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất không ưu đãi. Thêm vào đó,
vì là nhà TNT nên phải đúng đối tượng, việc xem xét hồ sơ vì vậy thường
phải kéo dài...”. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhà TNT từ dự án triển
khai đầu tiên đến dự án triển khai chỉ sau có 1 năm thì giá đã đội lên
từ 20-30% (từ 9 triệu đồng/m2 tăng lên 13 triệu đồng/m2)!
Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu trong năm 2012 và giai đoạn 2012 -2015, phấn
đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,4m2/người và tăng lên
22m2/người vào năm 2015; phấn đấu xây dựng khoảng 10 triệu mét vuông nhà
ở xã hội trong 3 năm tới. Tuy nhiên, riêng với phân khúc nhà TNT, với
mức giá cao không kém gì nhà thương mại, chưa kể để mua được nhà kéo
theo nhiều thủ tục rườm rà như hiện nay, để đạt được mục tiêu này, theo
đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, sẽ khó thành hiện thực!