20/05/2023 9:32 AM
Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành nhôm hiện đang vô cùng khó khăn, một số doanh nghiệp trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), cho biết hiện trạng ngành nhôm Việt Nam vô cùng khó khăn. Nhu cầu thị trường giảm mạnh, các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt.

Một số doanh nghiệp trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường nhôm

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, một số doanh nghiệp nhôm trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường. Do đó, ông Nguyễn Minh Kế cho rằng cần có biện pháp làm lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt Nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

“Hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình; đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay”, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết.

Theo VAA, những năm 2016 - 2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến doanh nghiệp nhôm nội địa lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc.

Ngay sau đó, năm 2019 Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế tạm thời từ 2,49% đến 35,58%, hiệu lực 5 năm. Chủ tịch VAA cho rằng quyết định này chính là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp ngành nhôm thời điểm đó.

Trước nguy cơ doanh nghiệp Việt đánh mất thị trường ngay trên sân nhà, VAA kiến nghị Chính phủ giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời gia hạn Quyết định áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc thêm 5 năm.

Hiện tại, tại Việt Nam có khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm khoảng 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa. Sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong quý 1/2023, các nhà máy ở trong nước chỉ hoạt động ở mức 30-40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động, doanh thu thấp, dòng tiền khó khăn.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.