Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã ban hành kết luận cuối cùng cho đợt rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia. Theo đó, ADC đã quyết định không tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát.
Cụ thể, biện pháp chống bán phá giá của Australia hiện đang áp dụng ở mức 1,9% đối với sản phẩm nhôm định hình của Việt Nam sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 27/6/2022.
Australia dỡ bỏ áp thuế chống bán phá giá với nhôm định hình của Việt Nam
Phía ADC cho rằng lượng sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trên thị trường Australia trong suốt 5 năm qua và việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không tạo ra những tác động đáng kể đối với ngành nhôm định hình của nước này.
Trước đó, ADC bắt đầu cuộc rà soát cuối kỳ vào ngày 15/9/2021, sau khi xem xét đề nghị của nguyên đơn Capral Limited (Capral). Các sản phẩm bị điều tra là nhôm định hình được phân loại theo mã HS 7604.10.00; 7604.21.00; 7604.29.00; 7608.10.00; 7608.20.00; 7610.10.00; 7610.90.00. Thời kỳ rà soát diễn ra trong giai đoạn từ ngày 1/7/2020 đến 30/6/2021.
Về thị trường trong nước, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết ngành nhôm phát triển mạnh trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhôm định hình tăng nhanh.
Theo đó, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất nhôm định hình đã vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn/năm. Song nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid, suy thoái kinh tế khiến cho xây dựng giảm sút, dẫn đến dư thừa công suất 35-40%.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu loại vật liệu này vẫn còn hạn hẹp, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, ứng phó với thực trạng khó khăn của trên thị trường tiêu thụ, Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam tiếp tục cung cấp thông tin, đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể về vấn đề Phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành nhôm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung kiến nghị giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thanh nhôm định hình từ 5% về 0% để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường xuất khẩu.
-
Ảnh hưởng Covid-19, ngành nhôm dư thừa công suất đến 40%
Do sự suy thoái kinh tế và dòng tiền đầu tư cho xây dựng giảm sút cùng nhu cầu tiêu thụ vật liệu nhôm suy yếu do dịch Covid-19 đã dẫn đến dư thừa công suất trong ngành này khoảng 35-40%.