18/02/2017 8:15 AM
Bộ Xây dựng đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó đã quy định, chủ đầu tư phải chuyển tiền bảo trì chung cư cho ban quản trị. Tuy nhiên, chế tài xử lý nếu chủ đầu tư vi phạm quy định này vẫn chưa rõ ràng.
Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi ban quản trị (BQT) tòa nhà hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua nhà chung cư.
Người mua nhà mong đợi cơ quan quản lý có biện pháp xử phạt nghiêm các chủ đầu tư chây ì bàn giao phí bảo trì chung cư.
Khi nhiều tòa nhà chưa thành lập được BQT, chủ đầu tư toàn quyền sử dụng số tiền này. Nhưng nay, khi BQT đã được lập ngày càng nhiều, lẽ ra chủ đầu tư phải chuyển tiền bảo trì cho BQT thì chủ đầu tư lại tỏ ra chây ì.
Nghị định 99 quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, BQT có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ tiến hành cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho BQT chung cư.
Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản. Tuy quy định là vậy nhưng thực tế việc cưỡng chế không hề đơn giản. Theo một số luật sư, hiện chưa có các quy định chi tiết hướng dẫn về định giá tài sản. Chưa kể nếu như chủ đầu tư đã bán hết tài sản thì không còn gì để cưỡng chế.
Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư mặc dù có quy định chủ đầu tư phải chuyển tiền bảo trì chung cư cho BQT nhưng lại không quy định rõ những chế tài xử lý nếu chủ đầu tư cố tình không bàn giao. Điều 43 về giải quyết tranh chấp chỉ nêu chung chung: Các tranh chấp về việc bàn giao, quản lý, sử dụng phí bảo trì do UBND cấp tỉnh giải quyết; trường hợp không đồng ý với quyết định của UBND cấp tỉnh thì có quyền yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết.
Theo ông Mai Anh Phong, Phó BQT chung cư Thăng Long Garden (Hà Nội), khi chủ đầu tư chây ì bàn giao phí bảo trì, các cấp chính quyền chưa có động thái quyết liệt buộc chủ đầu tư phải bàn giao mà chủ yếu vẫn chỉ là họp với tinh thần “động viên” chủ đầu tư. Thời hạn bàn giao cũng được nới lỏng theo hướng tạo điều kiện cho chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, các quy định hiện hành về quản lý chung cư nói chung và phí bảo trì nói riêng được đưa ra khá muộn, khi hàng loạt chung cư đã được đưa vào hoạt động và phát sinh mâu thuẫn. Do đó, với những chung cư cũ, đưa vào hoạt động từ trước khi có các quy định chặt chẽ về phí bảo trì thì thường rất khó để đòi lại khoản tiền này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung cho BQT khi BQT được thành lập. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cũng như Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm.
Rõ ràng BQT được dân bầu ra sau đại hội cư dân tòa nhà và đã được chính quyền địa phương thừa nhận thì hoàn toàn có đủ tư cách để thay mặt cư dân nhận bàn giao phí bảo trì. Nếu việc chây ì kéo dài quá lâu, người dân có quyền nghi ngờ phí bảo trì đã bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, thậm chí đã tiêu hết. Như vậy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà. Thậm chí, hình sự hóa nếu chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Theo các chuyên gia bất động sản, rút kinh nghiệm từ những vụ việc liên quan đến tranh chấp phí bảo trì, người mua nhà cần tìm hiểu kĩ các quy định, điều khoản về phí bảo trì trước khi kí hợp đồng mua nhà.
Đặc biệt, cần yêu cầu chủ đầu tư tách bạch khoản tiền mua nhà và 2% phí bảo trì thành các hóa đơn khác nhau. Với khoản phí bảo trì, chủ đầu tư phải gửi thành một tài khoản riêng tại ngân hàng để người dân có thể giám sát, tránh việc chủ đầu tư sử dụng sai mục đích khoản tiền này.
  • Trầy trật đòi phí bảo trì chung cư

    Trầy trật đòi phí bảo trì chung cư

    TP Hà Nội có khoảng hơn 600 chung cư nhưng số chung cư đã được nhận bàn giao quỹ bảo trì rất ít, chỉ chiếm khoảng 20%. Thực tế này cho thấy, các chính sách về phát triển chung cư vẫn còn nhiều kẽ hở.

  • Quản lý phí bảo trì chung cư: Nhiều bất cập chưa được tháo gỡ

    Quản lý phí bảo trì chung cư: Nhiều bất cập chưa được tháo gỡ

    Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 thế nhưng việc quản lý nhà chung cư hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chung cư đó là các vụ tranh chấp khi chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, sử dụng không đúng mục đích, chưa minh bạch trong sử dụng phí bảo trì, phí quản lý… gây bức xúc cho cư dân sống tại chung cư.

  • 'Không quản lý được quỹ bảo trì thì bỏ đi'

    'Không quản lý được quỹ bảo trì thì bỏ đi'

    Nhà nước phải thể hiện vai trò trong việc quản lý quỹ bảo trì, có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho cư dân, còn không thì nên bỏ quy định về việc này đi, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

  • Chưa hết ô nhiễm, cư dân Khu đô thị Dương Nội lại “khóc” với quỹ bảo trì

    Chưa hết ô nhiễm, cư dân Khu đô thị Dương Nội lại “khóc” với quỹ bảo trì

    Không những chịu cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, cô lập vì ngập lụt, cư dân sống tại Khu đô thị Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư còn bức xúc vì nhiều tồn tại khác tại dự án này.

Hoàng Dương (Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.