13/02/2017 5:00 PM
Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 thế nhưng việc quản lý nhà chung cư hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chung cư đó là các vụ tranh chấp khi chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, sử dụng không đúng mục đích, chưa minh bạch trong sử dụng phí bảo trì, phí quản lý… gây bức xúc cho cư dân sống tại chung cư.
Không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị
Thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh những lùm xùm liên quan đến việc tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, sử dụng và quản lý quỹ bảo trì chung cư giữa ban quản trị (BQT) với chủ đầu tư (CĐT) xảy ra tại nhiều nơi. Tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì chung cư kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến những tranh chấp trên vẫn chưa được giải quyết triệt để mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Nhà ở năm 2014 cùng những thông tư hướng dẫn đi cùng về công tác quản lý sử dụng quỹ bảo trì chung cư?
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở nhiều chung cư, BQT đã được thành lập nhưng CĐT vẫn trì hoãn, chưa thực hiện nghiêm việc chuyển giao kinh phí bảo trì cho BQT với rất nhiều lý do khác nhau.
Theo những con số được công bố thời gian gần đây cho thấy, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm chung cư đang được vận hành sử dụng, nhưng số chung cư được bàn giao phí bảo trì cho BQT lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, với mức thu phí 2% giá trị căn hộ, thì tổng số tiền quỹ bảo trì mà CĐT nắm giữ và chưa thực hiện trao trả là rất lớn.
Một trong những bất cập thường xuyên xảy ra tại các chung cư đó là các vụ tranh chấp khi chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, sử dụng không đúng mục đích.
Rất nhiều chuyên gia, người có kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh bất động sản cho rằng, việc bàn giao phí bảo trì cho BQT đã có trong Luật, các chủ đầu tư phải làm đúng luật. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (2014), trong đó có quy định phong tỏa và cưỡng chế tài sản chủ đầu tư nếu không bàn giao phí bảo trì cho BQT tòa nhà có hiệu lực từ tháng 12 nhưng đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn ngang nhiên chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng khoản phí trên.
Đáng nói, còn xảy ra tình trạng tranh chấp chồng chéo, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì không bàn giao quỹ bảo trì khiến cư dân các chung cư bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, cuộc sống của cư dân.
Kiên quyết xử lý
Rất nhiều các dự án chung cư tại Hà Nội và TP.HCM mặc dù đã vận hành, sử dụng từ lâu, thậm chí là xuống cấp, hư hỏng, tuy nhiên người dân vẫn phải cắn răng chịu đựng khi mà CĐT chây ỳ việc bàn giao quỹ bảo trì. Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề trên lại là chuyện không hề đơn giản.
Một trong những lý do khiến quỹ bảo trì chung cư chưa được bàn giao cho BQT nằm ở sự chây ì của chủ đầu tư với những lý do khác nhau.
Mặt khác, trước đây pháp luật chưa có quy định chặt chẽ về việc bàn giao, quản lý, sử dụng khoản kinh phí này, cho nên có thể dẫn đến việc BQT sử dụng tùy tiện, sai mục đích, làm thất thoát. Nhiều CĐT cũng “vin” và dựa vào những lý do trên để không chuyển giao hoặc chây ì, chậm chễ chuyển giao khoản phí bảo trì này. Việc nhiều CĐT chây ỳ, cố tình không bàn giao phí bảo trì 2% để hưởng lợi rõ ràng là không đúng quy định.
Tại khoản 1, điều 109, Luật Nhà ở đã quy định: “Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, CĐT phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ”.
Liên quan đến việc giải quyết việc tranh chấp nhà ở, tại khoản 4, điều 177 Luật Nhà ở cũng quy định về thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phí bảo trì chung cư thuộc về UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là đơn vị giải quyết. Đồng thời, việc giải quyết được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế.
Như vậy, quy định về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đã được cụ thể hóa trong Luật Nhà ở. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại những tranh chấp, lùm xùm về quản lý, sử dụng quỹ này giữa CĐT và BQT nhà chung cư vẫn chưa được thực hiện đúng. Nhiều CĐT vẫn thờ ơ, phớt lờ việc bàn giao quỹ cho BQT.
Trước những bất cập và thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý tốt hơn vấn đề này, rất cần sự sát sao thanh kiểm tra, xử lý nghiêm việc chấp hành nghiêm túc việc thực hiện quản lý, bàn giao quỹ bảo trì chung cư của các CĐT từ phía các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương. Để mang lại hiệu quả thực sự cho người dân, xã hội.
Thanh Trà (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.